Cô giáo vùng xa “gieo chữ” mùa dịch

Thứ bảy - 20/11/2021 20:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Dạy học online cho học sinh lớp 1 là vô cùng vất vả hơn nhưng những khó khăn mà 1 giáo viên dạy học online cho 1 lớp có đến 80% học sinh dân tộc thiểu số, nhiều em chưa nói sõi tiếng Kinh thì khó ai có thể tưởng tượng được.
Thế nhưng với lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu dành cho học sinh, cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) đã vượt qua mọi khó khăn để “gieo chữ” cho học trò.
50566f4c9b05505b0914.jpg
Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) đang hướng dẫn cho học sinh đọc bài. Lớp của cô hằng có 19/24 học sinh người dân tộc thiểu số, điều kiện học tập không thuận lợi
nên cô gặp rất nhiều khó khăn trong dạy học online
Năm học khó khăn nhất trong đời dạy học
Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) có 2 phân hiệu với gần 500 học sinh. Phân hiệu B (ấp Tân Hưng, xã Xuân Thành) cách điểm trường chính 3 km với 136 học sinh trong đó có 96 học sinh dân tộc thiểu số, đa phần là học sinh người Chơ Ro.
Điểm trường này có 24 học sinh lớp 1 thì có đến 19 học sinh là người dân tộc thiểu số. Năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid nên nhiều em không đi học mẫu giáo 5 tuổi. Vì vậy, khi bước vào lớp 1, các em vẫn còn chưa nói sõi tiếng Kinh. Khó khăn chồng chất khó khăn khi việc dạy và học phải tiến hành online. Chưa hết, nhiều học sinh không có thiết bị để học, giáo viên đành sử dụng phương thức giao phiếu bài tập về nhà. Nhưng đối với nhiều em, việc giao phiếu bài tập là hoàn toàn không hiệu quả bởi phụ huynh không biết chữ nên không có cách nào phối hợp, hỗ trợ để cùng giáo viên dạy học cho trẻ.
Cô Nguyễn Thị Bích Hằng là giáo viên chủ nhiệm của lớp 1 nêu trên. Đã có kinh nghiệm dạy lớp 1 hơn 20 năm nhưng đây chính là năm học khó khăn nhất đối với cô Hằng. Về phía bản thân, việc ứng dụng CNTT, dạy học trực tuyến đối với cô giáo vùng sâu đã 50 tuổi như cô Hằng là 1 thử thách. Để đáp ứng dạy học, cô phải mua máy laptop, nhờ đồng nghiệp, bạn bè và cả các con hướng dẫn sử dụng ứng dụng Google Meet để dạy học. Ban đầu chưa quen nhưng thực hành nhiều lần rồi cô Hằng cũng thành thạo các kỹ năng cơ bản để soạn giảng, dạy học online.
Khó khăn của bản thân có thể chủ động khắc phục, khó khăn đến từ học trò mới thực sự là thử thách lớn đối với cô. “Nhiều em ngồi nhưng không học, không tập trung. Không gian học tập của trẻ cũng chưa đảm bảo. Có bé đang học thì bị em nhỏ chạy lại quấy phá; tiếng khóc của trẻ nhỏ, tiếng phụ huynh nói chuyện… cứ thế “lọt” vào lớp học vì học sinh không tắt mic… Việc dạy học lớp 1 năm nay rất áp lực vì khó tương tác với học sinh”, cô Hằng tâm sự.
Đến tận nhà để “gieo chữ” cho học trò
Chừng đó vẫn chưa phải là tất cả khó khăn mà cô Hằng gặp phải. Lớp của cô có nhiều học sinh không có thiết bị để học online. Đối với những học sinh này, đích thân cô đi đến từng nhà học sinh để giao bài và tranh thủ hướng dẫn các em đọc bài, viết bài. Nhưng chỉ mấy ngày sau quay lại để kiểm tra thì “chữ cô lại trả cho cô”. Để các em theo kịp bạn bè, cô phải đến nhà học sinh dạy học thường xuyên hơn. Theo đó, buổi sáng cô dạy online, buổi chiều cô đến tận nhà những em này để hướng dẫn các em học bài.
Khi tình hình dịch lắng xuống, được sự đồng ý của phụ huynh, cô xin phép nhà trường cho 8 học sinh thuộc diện khó tiếp thu, không có thiết bị đến trường để học trực tiếp. Hiện tại, buổi sáng cô dạy online, buổi chiều cô đến trường để dạy cho 8 em học sinh này. “Các em đến trường thì phải thực hiện tốt 5k, phụ huynh đưa đón đảm bảo an toàn. Nếu không trực tiếp dạy thì các em không có cách gì để theo kịp bạn bè. Không chỉ dạy nhận mặt chữ, tập viết mà phần tập đọc cũng vất vả. Vì các em chưa rành tiếng Kinh nên phát âm chưa chuẩn, cô giáo phải dạy kỹ phần phát âm…”, cô Hằng kể.
Thầy Trịnh Xuân Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến nhận xét: “Cô Hằng là giáo viên rất nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc. Bao năm qua, mặc dù giờ vào lớp là 7 giờ sáng nhưng ngày nào cô cũng có mặt ở trường từ lúc 6h15 phút để tranh thủ ôn bài, dò bài cho học sinh. Đợt dạy học online này cô rất vất vả. Ở cương vị quản lý, tôi rất trân trọng và khâm phục tấm lòng nhiệt huyết và nỗ lực của cô Hằng”.
Hiện tại, cô Hằng vẫn dạy online vào buổi sáng cho những học sinh có đủ điều kiện học online và đến trường dạy kèm riêng cho 8 em nêu trên. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, mỗi ngày cô trực tiếp ở trường để nhận học sinh và chỉ ra về khi học sinh cuối cùng được phụ huynh đón.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây