Làm nông nghiệp nhiều lần bị thất bại, lão nông Trần Văn Lộc (73 tuổi, ngụ ấp Cây Da, xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình du lịch sinh thái vườn. Hướng đi mới này đã giúp cho gia đình ông Lộc có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

“Chú Lộc La” đang hướng dẫn du khách tham quan vườn cây ăn trái
“Chú Lộc La” đang hướng dẫn du khách tham quan vườn cây ăn trái
Sau hơn 3 năm gây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn, ông nhanh chóng được nhiều du khách gần xa biết đến với thương hiệu “chú Lộc La”.
Không chùn bước trước khó khăn
Theo chân cán bộ xã Bình Lộc, chúng tôi đã đến tham quan mô hình du lịch sinh thái vườn của “chú Lộc La”. Trong lúc ngồi đợi đón các đoàn du khách, ông Lộc vừa tâm sự về cuộc sống thăng trầm cũng như “duyên nợ” đã gắn ông với mô hình du lịch sinh thái vườn. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 9 anh chị em, năm lên 10 tuổi, ông đã theo gia đình rời quê hương Hà Nội vào vùng đất Bình Lộc sinh sống. Gia cảnh nghèo túng nên đang học lớp 10 thì ông phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà phụ giúp việc bố mẹ. Cho đến khi lập gia đình, 2 vợ chồng ông bà ra riêng với đôi bàn tay trắng.
Dù xuất thân trong cảnh bần hàn nhưng vợ chồng ông Lộc không mặc cảm tự ti mà luôn phấn đấu tìm mọi cách để vươn lên. Hàng ngày vợ chồng chăm chỉ đi làm thuê, làm mướn, tiền kiếm được dùng vào việc mua đất tích lũy dần. Đến năm 1982, vợ chồng ông Lộc đã mua được khu vườn rộng hơn 2 mẫu.
Từ ngày có đất, vợ chồng “chú Lộc La” không còn đi làm thuê nữa mà ở nhà đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Dù chí thú làm ăn nhưng vì rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên ông bà lại lâm vào cảnh nợ nần. “Dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc mà sẵn sàng đương đầu với những trở ngại đó để tìm hướng vươn lên”- lão nông này bộc bạch.
Vùng đất Long Khánh nổi tiếng về trái cây. Hơn nữa, nơi đây có khí hậu tốt, đất đai màu mỡ và vị trí nằm ở cửa ngõ của các tuyến giao thông quan trọng. Nếu đầu tư phát triển vùng du lịch sinh thái vườn bài bản thì hiệu quả mang lại rất cao. Nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn ở Long Khánh, ông Lộc quyết tâm sẽ đầu tư vào hướng đi mới này. “Đây là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời tôi, một lão nông thứ thiệt không biết gì về du lịch, quanh năm suốt tháng chỉ quen với việc đồng áng, chăn nuôi. Thế nhưng, tôi vẫn quyết định làm vì đây là cơ hội để mình thay đổi cuộc đời”- ông Lộc kể.
Khởi nghiệp khi đã lớn tuổi lại không có sẵn vốn trong tay, ông Lộc không phát triển mô hình một cách ồ ạt mà tính toán kĩ lưỡng, áp dụng theo phương châm “chậm mà chắc”. Năm 2018, ông xin vào làm việc cho Vườn cây ăn trái Dì Hai (điểm du lịch sinh thái vườn đầu tiên của xã Bình Lộc) để vừa có thu nhập, vừa học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 2019, khi xã Bình Lộc thành lập Tổ hợp tác du lịch sinh thái, “chú Lộc La” đã trở thành thành viên của tổ hợp tác và được cử đi tham quan các điểm du lịch sinh thái ở miền Tây. Nhờ đó, lão nông này đã học hỏi được nhiều cách làm hay và trở về áp dụng vào mô hình tại gia đình để phục vụ du khách.
Thành công với mô hình mới
Năm 2019, ông Lộc quyết định bán hơn 1 mẫu vườn để trả nợ và dùng số tiền còn lại để đầu tư làm điểm du lịch. Không làm 1 mình, ông đã liên kết với các chủ vườn trong vùng để cùng nhau làm giàu. Với tổng diện tích khoảng 20 ha, “Vườn chú Lộc La” luôn có sẵn trái cây ngon, sạch để đón khách.
Tiếng lành đồn xa, ngay trong mùa khai trương đầu tiên, đã có rất đông du khách từ khắp nơi tìm đến vườn nhà ông Lộc để tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, vườn mới chỉ hoạt động vỏn vẹn 1 mùa trái cây thì buộc phải “đóng cửa” vì đại dịch Covid-19. Đến năm 2022, tình hình dịch bệnh đã tạm ổn, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, “chú Lộc La” đã mở cửa đón du khách trở lại. Ông tin tưởng mùa du lịch năm nay có nhiều khả quan, bởi sau hơn 2 năm bị hạn chế đi lại do dịch Covid-19 thì hiện nay nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng của khách là rất lớn. Hiện có rất đông du khách tìm đến điểm du lịch sinh thái của chú để tham quan, trải nghiệm. “Những ngày thường, số lượng khách đến đây trung bình từ 200 – 250 lượt người, ngày thứ 7 tăng lên từ 400-450 lượt người. Riêng ngày chủ nhật có số lượng khách đông nhất là 700-800 lượt người”- ông Lộc tâm sự.
Chị Phan Thị Thu Hồng (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: “Tôi đã đi du lịch sinh thái vườn nhiều nơi nhưng vẫn ấn tượng và thích thú khi đến với điểm tham quan du lịch của chú Lộc La. Bởi thái độ phục vụ niềm nở, nhiệt tình, chu đáo và vui tính của người chủ vườn”.
Hiện mô hình du lịch sinh thái vườn của ông Lộc đã đem lại thành công bước đầu rất khả quan. Nhờ đó, gia đình ông đã có thu nhập ổn định, cuộc sống tốt hơn so với trước đây. Điều đáng quý là ông không chỉ làm lợi cho gia đình mà còn tạo điều kiện cho các chủ vườn trong vùng cùng làm và cùng hưởng lợi. Nhờ đó, thu nhập của bà con cao hơn rất nhiều so với việc bán trái cây cho thương lái.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, “chú Lộc La” cho biết, ông tiếp tục đầu tư mô hình du lịch ngày càng quy mô và mang tính chuyên nghiệp hơn. Hiện ông đang liên kết cùng với những hộ trong vùng để sản xuất ra những loại cây ăn trái phù hợp với bốn mùa, nhằm tạo sản phẩm phong phú, đa dạng để phục vụ du khách quanh năm chứ không chỉ “ăn theo” 1 mùa như hiện nay.
Ông Đặng Trung Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lộc, TP.Long Khánh nhận xét, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ông Lộc rất tâm huyết với nghề làm du lịch và tích cực tham gia đóng góp nhiều ý tưởng để xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn ngày càng hiệu quả. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia vào Tổ xung kích an ninh trật tự để bảo vệ bình yên xóm làng; tự nguyện tham gia dọn dẹp vệ sinh rác, chăm sóc các tuyến đường hoa trên địa bàn… Ông là một gương điển hình đáng để các thế hệ trẻ học tập làm theo.