Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của chuỗi cung ứng, bán lẻ trong thời gian qua, nhất là đối với các kênh bán lẻ truyền thống. Nhiều chợ, tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ… “thấp thỏm” trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Một điểm bán hàng bình ổn giá thay thế các chợ tạm ngưng hoạt động ở TP.Biên Hòa
Ông Bùi Văn Thìn, Trưởng ban quản lý chợ Suối Cát (H.Xuân Lộc) chia sẻ, tình hình dịch bệnh phức tạp không những khiến cho hoạt động của chợ bị gián đoạn, chịu nhiều ảnh hưởng mà còn khiến cho nhiều tiểu thương của chợ lo ngại các nguy cơ lây nhiễm. Tại điểm bán tạm thời thay thế cho chợ chính đang tạm đóng cửa để phòng, chống Covid-19, hiện được triển khai xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 định kỳ 7 ngày/lần để sàng lọc cho các tiểu thương đang bán hàng ở đây.
Tuy nhiên, theo ông Thìn, về lâu dài thì vẫn cần chủ động phương án để kết nối lại hoạt động giao thương khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Trong đó, nhiều tiểu thương trong chợ mong muốn đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 để họ có thể an tâm bán hàng, trước mắt là ở khu vực điểm bán tạm thời nói riêng, cũng như chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau này có thể mở lại chợ chính.
Tương tự, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, dù cửa hàng tạp hóa bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn được phép hoạt động nhưng nhiều cửa hàng, tiệm tạp hóa đã chủ động cắt giảm thời lượng bán hàng, hạn chế nhập hàng, có trường hợp còn tạm ngừng hoạt động vì lo ngại dịch bệnh, nhất là ở một số khu vực đông dân cư…
Bà Phùng Thuận, chủ một cửa hàng tạp hóa ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, thời gian đầu khi vừa thực hiện Chỉ thị 16, bà vẫn mở cửa hàng để duy trì buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của bà con xung quanh trên cơ sở chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng phát mạnh lên từ ngày 20-7 đến nay, bà đã tạm ngưng bán hàng vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
“Một phần tôi đã lớn tuổi, nhà neo người nên nếu chẳng may tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 sẽ rất khó khăn. Đồng thời, nguồn cung hàng hóa từ nhiều nơi như TP.HCM, Bình Dương bị đứt gãy, hàng về chậm, lúc có lúc không, chi phí vận chuyển bị đội lên khá cao. Do đó, tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh trong thời điểm này, đợi dịch bệnh lắng xuống sẽ mở cửa trở lại” - bà Thuận chia sẻ.
Theo Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 148 chợ. Trong đó, qua nắm bắt tình hình ở các địa phương, tính đến nay, có 72/148 chợ đang tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Để thay thế các chợ tạm ngừng hoạt động, nhiều địa phương trong tỉnh liên tục cập nhật, triển khai các kênh bán hàng thay thế, điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Nam Hữu