Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong tình hình mới, nhất là vào đợt cao điểm cuối năm và cận Tết sắp tới.
Nhiều siêu thị trong tỉnh có kế hoạch chủ động nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm.
Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện nay, tình hình thị trường vẫn còn đang biến động sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nguồn cung hàng hóa vẫn chưa đa đạng, ổn định như thời trước dịch. Trong khi đó, nhiều mặt hàng từ các nhà phân phối rục rịch tăng giá. Do đó, siêu thị sẽ theo dõi sát tình hình thị trường sắp tới để chủ động cân đối nguồn hàng dự trữ, đảm bảo ổn định giá cả đầu ra…
Nhiều HTX thương mại, dịch vụ cho biết sẽ căn cứ vào những diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để chủ động xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, triển khai các kênh bán hàng bình ổn giá phù hợp. Đặc biệt, sẽ phải bám sát tình hình giá cả thị trường, chuỗi cung ứng hàng hóa để có phương án thích ứng kịp thời.
Theo ông Bùi Văn Thìn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Suối Cát (H.Xuân Lộc), HTX đang chủ động các phương án dự trữ hàng hóa cho dịp Tết. Như những năm trước đây, từ khoảng tháng 12, giá cả hàng hóa nhập về sẽ có xu hướng tăng. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường sẽ có nhiều biến động hơn, dự báo giá nhiều mặt hàng sẽ tăng 5-10%. HTX mong muốn sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để chủ động tiếp cận, ký hợp đồng mua các nguồn hàng bình ổn giá từ các nhà phân phối.
Chủ động các phương án đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa
Theo Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022 để phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022, đồng thời ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh, về tỷ lệ dự trữ hàng hóa khi triển khai chương trình, mặt hàng gạo thuộc chương trình bình ổn quốc gia, tỉnh chỉ can thiệp khi đột biến, phạm vi nhỏ nên tỷ lệ dự trữ ở mức 2,5% so với nhu cầu. Mặt hàng thịt heo cần nguồn dự trữ khoảng 10% tổng nhu cầu của tỉnh nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, bình ổn giá khi có biến động. Mặt hàng thịt gà có tỷ lệ dự trữ là 5% so với nhu cầu.
Các mặt hàng khác gồm: mì gói, thực phẩm chế biến đóng hộp, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, gia vị, nước chấm có tỷ lệ dự trữ ở mức 2,5-3% để có nguồn cung cấp nhanh cho thị trường khi xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ…
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương sẽ tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở sẽ chủ động kế hoạch làm việc cùng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị tham gia bình ổn giá trong tỉnh và đề nghị các đơn vị này xây dựng kế hoạch dự trữ hàng tết và phương án kinh doanh trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá cục bộ hoặc hàng tồn kho sau Tết, nhất là đối với mặt hàng thịt heo, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, bánh mứt… phục vụ Tết và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình cung ứng, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm và cận Tết Nguyên đán 2022, các sở, ngành, địa phương liên quan cần đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn giá; xây dựng phương án kết nối cung cầu phù hợp. Bên cạnh đó, cần chủ động kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu, linh hoạt thích ứng với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập