Chú trọng phòng ngừa “Cháy” ở các khu công nghiệp từ đầu mùa khô

Thứ hai - 29/01/2024 08:02
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

(CTT-Đồng Nai) Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với khoảng 1,7 ngàn doanh nghiệp (DN), nhà máy… hoạt động trong 32 khu công nghiệp (KCN). Đây là những nơi chứa lượng lớn vật tư, hàng hóa, thành phẩm, lại tập trung đông người làm việc liên tục nên có nguy cơ cháy cao. Vào đầu mùa khô và giáp Tết như hiện nay, việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu công nghiệp lại càng được chú trọng hơn.

Nguy cơ cháy còn cao

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy trong các khu công nghiệp, các sự cố trên được xử lý kịp thời, không để phát sinh cháy lan, cháy lớn. Những vụ cháy trên chủ yếu xảy ra tại các cơ sở tập trung nhiều nguyên, vật liệu dễ cháy như: vải, bông sợi…

Hinh bai Dang Tung 1.jpg?t=1752296424

​Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kiểm tra an toàn phòng cháy các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) 

Có thể kể đến như vụ cháy ngày 27-6-2023, tại khu tập kết kiện bông nguyên liệu của Công ty CP Dệt Renze (KCN Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch) đã xảy ra cháy. Hoặc vụ cháy vào ngày 2-6-2023, một nhà xưởng tại Công ty TNHH MTV Concord Textile Corporation Việt Nam - chuyên ngành kéo sợi, dệt may (KCN Nhơn Trạch 2, H.Nhơn Trạch) đã bốc cháy dữ dội. Trước đó, ngày 15-3-2023, tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Stand Dragon (KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí) đã xảy ra cháy.

Dù không gây thiệt hại về người nhưng các vụ cháy cũng gầy ảnh hưởng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Qau điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy phần lớn đến từ sự cố điện, hoặc sự cố phát sinh trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, đang vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, phần lớn những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh đang ráo riết sản xuất để đáp ứng đơn hàng còn tồn đọng. Kéo theo đó, một lượng lớn nguyên vật liệu, hàng hóa, thành phẩm được tập trung trong các kho xưởng, lượng điện năng tiêu thụ cao dẫn tới nguy cơ cháy gia tăng.

Không chỉ vậy, với một số DN, đơn hàng sản xuất bị sụt giảm mạnh, thậm chí còn xuất hiện tình trạng thiếu việc làm, tập trung chủ yếu tại các DN thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, điện tử… Điều này khiến việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí, dẫn tới làm giảm khả năng ứng phó sự cố cháy.

Vừa sản xuất, vừa phòng cháy

Thực trạng trên đã được Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh ghi nhận trong các đợt kiểm tra vào giai đoạn cuối năm 2023. Chính vì vậy, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc tại các DN, nhà máy. Cùng với đó, khi thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC sẽ được tiết hành chặt chẽ; cương quyết không để cơ sở chưa nghiệm thu đã đi vào hoạt động.

Đáng chú ý, khi kiểm tra các cơ sở, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cũng nhắc nhở người có trách nhiệm phải thực hiện đủ yêu cầu đảm bảo an toàn khi cơ sở nghỉ Tết. Đặc biệt là an toàn điện, vệ sinh công nghiệp và dut trì hoạt động hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.

Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh khuyến cáo thêm, người đứng đầu cần nhắc nhở cán bộ, người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định PCCC. Đảm bảo nguồn nhiệt, nguồn điện cách xa nơi sản xuất, nơi bảo quản, lưu giữ hàng hóa. Ngay cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ cũng cần phải có lực lượng chữa cháy tại chỗ túc trực, kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.

Để tăng khả năng ứng phó sự cố cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị quân đội, các DN có xe chữa cháy. Việc này giúp khi có sự cố cháy trong các KCN, khu dân cư trong tỉnh, sẽ điều động được lượng phương tiện và người gần nhất để dập lửa.

Tác giả: Trúc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây