Chú trọng nâng cao tay nghề cho công nhân

Thứ năm - 05/04/2018 20:25
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Để đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao tay nghề cho công nhân, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện hoặc liên kết với các trường đào tạo nghề cho công nhân.​

Công nghệ mới đòi hỏi công nhân có tay nghề

Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam có 2.800 lao động, chuyên sản xuất các loại đầu golf, gậy golf và các dụng cụ chơi golf, thường xuyên sử dụng máy móc hiện đại trong sản xuất. Để giúp công nhân vận hành thành thạo máy trong sản xuất, công ty thường xuyên mời các chuyên gia trong nước về huấn luyện tay nghề cho người lao động (NLĐ). Cùng với đó, kết hợp với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm cho tổ trưởng, quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất.

Chủ tịch CĐCS công ty Đỗ Thị Thúy Kiều cho biết, do yêu cầu của công việc nên khi tuyển dụng công nhân, công ty phải đào tạo công nhân để phù hợp thực tế sản xuất. Ngoài đào tạo trực tiếp trên các chuyền sản xuất, công ty còn tổ chức các lớp đào tạo vào buổi tối cuối tuần trong vòng 6 tháng cho công nhân ở bộ phận cải thiện và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề, mỗi lớp có 10 - 20 công nhân tham gia. Những công nhân tham gia các lớp đào tạo được hưởng lương và các khoản trợ cấp bình thường. Ngoài ra, công ty xét trình độ tay nghề để tăng lương cho NLĐ.


Công nhân Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam trong giờ sản xuất.

Theo chị Kiều, hiện công ty đang liên kết với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tuyển sinh khóa đào tạo trung cấp, cao đẳng chuyên ngành “quản trị kinh doanh” cho công nhân có trình độ từ lớp 9 trở lên. Công nhân tham gia sẽ học vào buổi tối, được công ty chi trả hoàn toàn học phí, những công nhân đạt tay nghề từ 80% trở lên, công ty tổ chức trao học bổng 1,5 triệu đồng/suất và xem xét điều chỉnh lương, cất nhắc, sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp.

Cũng là doanh nghiệp chú trọng huấn luyện tay nghề cho NLĐ, Công ty cổ phần quốc tế Pancera (huyện Long Thành) thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài về dạy nghề cho công nhân trực tiếp sản xuất tại xưởng. Anh Nguyễn Văn Hậu, công nhân vận hành máy cho biết, mỗi chuyền sản xuất đều có cấu tạo và cách vận hành khác nhau, nên dù bản thân đã có kinh nghiệm nhưng vẫn phải đào tạo nghề lại từ đầu. “Sau khi được công ty cho tham gia một lớp nâng cao tay nghề, tôi thấy mình tự tin hơn trong công việc. Đặc biệt là nhiều cấu tạo phức tạp của các loại máy móc hiện đại cũng như quy trình vận hành, xử lý khi máy gặp sự cố”, anh Hậu cho biết thêm.

Theo Chủ tịch CĐCS công ty Nguyễn Công Đoàn, để đáp ứng được yêu cầu công việc, đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động có tay nghề, thích ứng với công việc ngay là rất khó. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp đều sử dụng các loại máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo đơn đặt hàng của khách hàng. Do đó, ngay từ khi tuyển công nhân vào, doanh nghiệp đã mở các lớp đào tạo về các nội quy và kỹ thuật vận hành máy trong sản xuất. Bên cạnh đó, hướng dẫn công nhân làm việc hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tránh các sự cố ảnh hưởng đến quy trình sản xuất.

Nhiều cuộc thi tay nghề cho công nhân

Thời gian qua, nhiều cuộc thi tay nghề đã được tổ chức cho công nhân lao động. Điển hình tại Công ty Pousung, Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC)…, đã tổ chức hội thi thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia với chủ đề “Hội thi lao động sáng tạo”. Tại cuộc thi, NLĐ có thể trình bày những sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật mà họ phát hiện trong quá trình làm việc. Nhiều ý tưởng rất có giá trị thực tế, gắn liền với thao tác công việc được anh chị em đưa ra nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả lao động. Sau mỗi cuộc thi, việc xác định tay nghề công nhân giúp cho lãnh đạo công ty có cơ sở để bố trí lao động phù hợp.

Anh Trần Văn Hậu, công nhân Công ty VPIC cho biết: “Mục tiêu của công ty không ngừng đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nên chúng tôi luôn học hỏi để nâng cao tay nghề của mình. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi công ty tổ chức hội thi tay nghề cho công nhân, đây là cơ hội để công nhân phát huy sở trường, kỹ thuật tay nghề của mình”.

Anh Đỗ Đình Hiệp, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết, các hội thi tay nghề phát động đều thu hút đông công nhân lao động tham gia. Trong đó, hội thi “Phát huy sáng kiến và phát hiện mối nguy hại tại nơi sản xuất” đã cải thiện máy móc cũ hoạt động hiệu quả, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện tại nơi sản xuất. “Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả tích cực từ mô hình mang lại. Qua kiểm tra, hơn 75% anh chị em có tay nghề vững, 25% anh chị em nắm quy trình vận hành máy. Thông qua hội thi, Ban lãnh đạo công ty có điều kiện đánh giá được tay nghề của công nhân, từ đó có kế hoạch khen thưởng kịp thời”.

Ngoài việc tổ chức hội thi tay nghề cho công nhân, Công ty VPIC còn liên kết với trường dạy nghề hoặc mời các chuyên gia mở khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ theo từng khâu, từng công đoạn nhằm từng bước chuyên môn hóa trong nhịp độ sản xuất. Nội dung và hình thức đào tạo được xây dựng dựa trên đặc thù của từng công đoạn lao động; công nhân khâu nào thì đào tạo theo khâu đấy; đạt yêu cầu thì công ty cấp chứng nhận tay nghề, giới hạn về mặt thời gian.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom Lê Đức Thụy cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chú trọng đào tạo tay nghề cho NLĐ. Cùng với đó, quan tâm tổ chức các hội thi tay nghề trong công nhân. Việc tổ chức các hội thi tay nghề là cách làm thành công của nhiều công ty, từ đó, doanh nghiệp và NLĐ có điều kiện đánh giá lại năng lực làm việc của từng người, từng bộ phận. Công nhân nào có kết quả tay nghề tốt, Ban giám đốc công ty sẽ có chính sách thỏa đáng, cụ thể nhất là chế độ tăng lương hàng năm. Điều này khích lệ anh chị em công nhân ra sức thi đua nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Đối với NLĐ, các cuộc thi cũng là cơ hội để thể hiện năng lực, phát huy vai trò chủ động sản xuất thông qua hoạt động thực tế.

Thường xuyên phát động thi đua trong công nhân

Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình cho biết, để khuyến khích công nhân phát huy sáng kiến, nâng cao tay nghề, Công đoàn huyện thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Đối với NLĐ, từ các phong trào thi đua có thể thấy rõ sự tiến bộ, nâng cao về tay nghề. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, từ thi đua mà có đội ngũ lao động tay nghề cao, góp sức phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lan Mai

Tác giả: Nguyễn Thị Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây