(CTT-Đồng Nai) - Chiều ngày 11-11, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban chỉ đạo 264) tỉnh do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc và khảo sát một số sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang chủ trì buổi làm việc với huyện Vĩnh Cửu tại UBND xã Tân Bình.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang chủ trì buổi làm việc với huyện Vĩnh Cửu tại UBND xã Tân Bình.
Lũy kế đến nay, toàn huyện Vĩnh Cửu có 17 sản phẩm OCOP, 4 sản phẩm OCOP 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Nhiều Chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP đã được triển khai. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã, chủ thể OCOP xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây có múi; làm sản phẩm OCOP bưởi da xanh, bưởi đường lá cam xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu; kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trái cây...
Các chủ thể có sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Thực hiện hỗ trợ hộ gia đình, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các giải pháp thúc đẩy liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Hỗ trợ các chủ thể OCOP, tiền OCOP đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tăng cường công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Khó khăn, một số chủ thể OCOP chưa đầu tư đúng mức đến mẫu mã, bao bì để phát huy nhãn hiệu hàng hóa, các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất khi tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chưa có các chính sách cụ thể để hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể OCOP phát triển các sản phẩm OCOP được chứng nhận như hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói các sản phẩm OCOP; chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh cho các chủ thể OCOP. Chưa mời gọi được nhà đầu tư tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang nghe giới thiệu về sản phẩm bánh chưng OCOP của cơ sở bánh chưng Trần Gia tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang nghe giới thiệu về sản phẩm bánh chưng OCOP của cơ sở bánh chưng Trần Gia tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.
Địa phương kiến nghị có chính sách riêng hỗ trợ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm, nâng cấp sản phẩm thông qua chính sách hỗ trợ mua sắm máy, trang thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến, chế biến sâu. Tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể OCOP tham gia giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tập trung hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý sản xuất và quản trị kinh doanh cho các chủ thể OCOP.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang đánh giá, Ban chỉ đạo 264 huyện triển khai tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Về công tác tuyên truyền đã được tăng cường bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP đã đạt được chưa đa dạng, chưa xứng với tiềm năng của địa phương, mới tập trung vào một số địa phương, lĩnh vực, chủ thể tham gia chưa nhiều. Đề nghị địa phương đánh giá kỹ hơn về chương trình, quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên nhiều kênh, nhất là các sàn thương mại điện tử.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang thăm quan vườn bưởi sản xuất an toàn tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang thăm quan vườn bưởi sản xuất an toàn tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo 264 cấp huyện, cấp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo; tăng cường hơn nữa về các chính sách hỗ trợ cho chủ thể OCOP. Trong đó, tăng cường công tác tập huấn về năng lực quản lý cũng như chuyên môn liên quan đến chương trình OCOP. Địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ để phát triển thêm các nhóm OCOP, có thêm nhiều sản phẩm đặc thù, sản xuất quy mô lớn đáp ứng tiêu chuẩn của các trung tâm thương mại lớn, trở thành sản phẩm du lịch. Có một thực tế là sản phẩm tham gia chương trình kết nối vẫn chưa đa dạng, cần tăng cường công tác kết nối, đưa doanh nghiệp tiếp cận với các sản phẩm OCOP tại các địa phương.