Chú trọng đào tạo cán bộ, công chức

Thứ tư - 20/03/2024 15:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT) – Cán bộ, công chức (CB, CC) là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có vai trò “cụ thể hóa, hiện thực hóa” và thi hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đòi hỏi đội ngũ CB,CC không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc, phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ lý luận chính trị (LLCT).
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng chương trình hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị cho các học viên của Đồng Nai năm 2024.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng chương trình hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị cho các học viên của Đồng Nai năm 2024.

“Đòn bẩy” để nâng chất lượng CB,CC
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Để có được cán bộ tốt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức chính trị thì phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng được xem như “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ để phục vụ Nhân dân, muốn như vậy mỗi CB,CC phải nhận thức rõ: “Học để hiểu, để làm việc, học để phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, học để làm người. Phải có thói quen đem lý luận liên hệ với thực tiễn, đem những lý luận đã tiếp thu được cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong đời sống hàng ngày mà áp dụng vào các công việc thực tế”.

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng CB,CC nói chung và đào tạo, bồi dưỡng LLCT nói riêng, trong những qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác phối hợp đào tạo LLCT cho CB,CC của tỉnh. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy cử hơn 38 ngàn lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh. Trong đó, đã cử hơn 300 đồng chí tham gia các lớp cao cấp LLCT (hệ tập trung và hệ không tập trung); gần 2,2 ngàn lượt CB,CC tham gia các lớp đào tạo trung cấp LLCT.

Sau đào tạo, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức vận dụng lý luận vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về trình độ LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Trung ương và Tỉnh ủy. Từ đó, nhiều đồng chí được cấp ủy đảng, chính quyền xem xét, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.

Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn
Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bùi Thị Yến cho rằng, để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ CB,CC, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thời gian tới cần thực hiện tốt công tác đào tạo và quản lý đánh giá cán bộ sau đào tạo. Thường xuyên thực hiện rà soát trình độ CB,CC, phân loại đào tạo theo từng chức danh, từ đó, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ và khoa học trong công tác rà soát đối tượng, mở lớp, quản lý học viên, nắm bắt tình hình học tập của cán bộ và kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện phân công trách nhiệm giữa cơ quan cử cán bộ đi học và cơ sở đào tạo một cách hợp lý, khoa học. Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hiệu quả công tác của cán bộ sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng, từ đó xem xét, đánh giá nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng LLCT.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập LLCT. Ngoài việc học tập ở trường lớp, từng CB,CC tự nghiên cứu học tập nâng cao trình độ để vận dụng và áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tế thực tế tại đơn vị và nhiệm vụ được giao. Quá trình học tập tại trường lớp, kết hợp với phối hợp các cơ sở đào tạo hoặc các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn để triển khai chương trình, kế hoạch cử học viên đi học tập thực tế về một số chuyên đề, lĩnh vực cần thiết.

Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, bổ sung nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, đặc biệt là cán bộ quy hoạch các chức danh chủ chốt các cấp.

Thực hiện tốt công tác phối hợp trong đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với công tác sử dụng, bố trí cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xong mà không sử dụng tốt, không đúng vị trí sẽ không phát huy được hiệu quả của quá trình đào tạo. Ngược lại, đào tạo mà không có kế hoạch sử dụng sẽ gây lãng phí về kinh tế, thời gian của học viên.

Tác giả: Quỳnh Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây