TTĐT - Sáng 17-9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh đã tổ chức họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì họp báo, trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống dịch Covid-19
Chủ trì buổi họp báo có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà. Cùng dự còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế của tỉnh thời gian qua; việc xác định vùng đỏ, cam, vàng, xanh để thiết lập trở lại trạng thái bình thường mới. Các cơ quan báo chí cũng đặt vấn đề về tiến độ tiêm vaccine, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giữ vững an ninh trật tự, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ…
Một trong những vấn đề được báo chí đặt nhiều câu hỏi quan tâm nhất là làm sao nới lỏng các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng an toàn, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, nhất là địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn nhiều vùng đỏ. Bên cạnh đó báo chí còn quan đến đến các chính sách của tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Sau nghị nghe các sở, ngành trả lời câu hỏi của các phóng viên đặt ra tại cuộc họp theo phân công của lãnh đạo UBND tỉnh, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã trả lời 12 câu hỏi để làm rõ thêm nhiều vấn đề. Trả lời về việc có hạn chế doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ hay không, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh không hạn chế doanh nghiệp đăng ký sản xuất 3 tại chỗ nhưng doanh nghiệp phải lựa chọn các phương án tổ chức sản xuất an toàn và phù hợp do tỉnh đặt ra. Phương châm của tỉnh là công nhân ở “vùng xanh” sẽ đến nhà “máy xanh” và ngược lại để đảm bảo an toàn cho khu dân cư và cả nhà máy.
Phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh
Liên quan đến câu hỏi phân chia các vùng để vừa quản lý y tế, vừa phát triển kinh tế xã hội có phù hợp hay không? Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh coi nhiệm vụ khống chế dịch là tối thượng, do đó trước hết là phải bám sát các tiêu chí của Bộ Y tế, sau đó từng bước mở dần sang quản lý để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc nới lỏng phải được thực hiện nhưng sẽ rất thận trọng. Việc đưa biểu đồ dịch từ chỗ đi lên chuyển sang đi ngang và đang đi xuống là cả một nỗ lực rất lớn. Do đó, tỉnh rất mong người dân và doanh nghiệp tiếp tục chung sức để giữ cho được thành quả chống dịch”.
Trước câu hỏi của báo chí về việc, TP.Biên Hòa hiện có nhiều vùng xanh, đỏ trong một phường, xã thì thực hiện nới lỏng mới như thế nào, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã xây dựng 4 “khung”, lãnh đạo các địa phương sẽ theo đó mà xây dựng phương án cho địa bàn quản lý phù hợp. Địa phương nào khống chế dịch tốt thì “nới lỏng” nhiều hoạt động, địa phương nào chưa cho phép thì tiếp tục hạn chế. Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ thêm: “Tỉnh đã tính toán đến việc nới lỏng hoạt động phong tỏa một cách phù hợp nhất đến tận tổ, khu phố, ấp chứ không phải máy móc dẫn đến phong tỏa diện rộng một cách không cần thiết, gây khó cho người dân. Tuy nhiên việc nới lỏng sẽ rất thận trọng, không để tạo ra kẽ hở để phải chạy theo sửa sẽ mất thời gian, tốn kém”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, hiện nay tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã giảm và đang có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên tỉnh cũng luôn đề phòng với kịch bản dịch sẽ bùng phát trở lại. Trong tình huống này thì giải pháp y tế sẽ là quan trọng nhất để khống chế dịch. Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, để tiếp tục triển khai chống dịch hiệu quả, nhất là chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi kinh tế, ngay trong chiều 17-9 Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM… sẽ họp để bàn về phối hợp trong tổ chức hoạt động giao thông vận tải thống nhất triển khai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh, Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất 3 tại chỗ, tỉnh sẽ tính toán để đưa các chi phí phòng, chống dịch của doanh nghiệp vào hoạch toán để tính thuế, vì các hoạt động này chi rất lớn và tốn kém. Đối với các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp tỉnh sẽ bám sát vào các định hướng chính sách chung của Chính phủ.
Thọ Vực