Chủ động ứng phó với thiên tai

Thứ năm - 23/08/2018 22:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đồng Nai dù được đánh giá là địa phương ít chịu ảnh hưởng của bão, lũ, tuy nhiên trước những diễn biến bất thường do hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra gần đây, công tác chủ động ứng phó với thiên tai luôn được chú trọng.​

Xây dựng phương án ứng phó

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Nai Vũ Quốc Việt cho biết, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các loại hình thiên tai như: mưa lớn gây ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất. Đặc biệt, do diễn biến thất thường của thời tiết, trên địa bàn thường xuyên xảy ra triều cường, mưa trái mùa, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn cho người dân địa phương.

Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 trận mưa kèm theo dông, lốc và 1 vụ sét đánh tại các huyện Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Tân Phú. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian này làm 1 người chết, 80 nhà dân bị tốc mái và 3 công trình công cộng bị hư hỏng.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai trên, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chịu sự tác động bất lợi từ hiện tượng BĐKH, nhất là hiện tượng xâm nhập mặn và thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh, trong khi ảnh hưởng do BĐKH ngày càng phức tạp thì khó khăn lớn nhất của tỉnh là các công trình thủy lợi, hồ đập chỉ mới đáp ứng tưới tiêu chủ động cho 19.000 ha đất sản xuất. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh đã có 33.000 ha cây trồng khác được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Nhưng con số đó vẫn rất khiêm tốn so với 280.000 ha đất nông nghiệp toàn tỉnh. “Mùa khô hạn, hàng ngàn ha cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn bị thiếu nước”, ông Vinh cho biết.


 Tình trạng ngập lụt xảy ra khi có mưa lớn gây nhiều khó khăn đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Theo dự đoán những tháng cuối năm, diễn biến thời tiết còn phức tạp. Do đó, để chủ động ứng phó, hiện các ngành, các cấp từ cấp tỉnh đến huyện đã xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tại. Theo ông Việt, với cấp tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ RRTT (rủi ro thiên tai). Đối với cấp huyện, hiện 11 địa phương đã hoàn thành xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018.

Ngoài ra, với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ), toàn tỉnh đã đầu tư 71 xe chữa cháy, cứu thương, xe tải, xe thang...; 185 ca nô cứu hộ, tàu, xuồng các loại và hàng chục ngàn trang thiết bị như: bình cứu hỏa, nhà bạt, phao bè, áo phao, mũ bảo hộ... nhằm kịp thời ứng cứu, khắc phục khi sự cố xảy ra.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, ngoài việc chủ động lên phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Đồng Nai cũng luôn quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tránh để xảy ra thiệt hại lớn do sự chủ quan. “Khi có dự báo về thiên tai, các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đều tỏa xuống các địa phương trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết.

Đảm bảo an toàn hồ, đập

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 hồ chứa và 47 đập thủy lợi. Theo ông Vũ Quốc Việt, hiện tất cả các hồ, đập này đều được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra cho thấy, các quy định về quản lý an toàn đập, giám sát vận hành hồ chứa và thông tin kịp thời đến người dân vùng hạ du khi xả nước luôn được thực hiện nghiêm.

Hồ thủy điện Trị An, với dung tích chứa hơn 2,7 tỷ m3, cao trình của mực nước hồ 62 m với các chức năng khác nhau như điều tiết lũ, cấp nước và phát điện. Theo ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, hiện hồ Trị An đã xây dựng bản đồ ngập lụt với 6 cấp độ lũ nhằm chủ động với các tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Ngoài ra, hằng năm, công ty đều thuê tư vấn chuyên ngành đánh giá về mức độ sụt, lún và tính toán từng trường hợp cụ thể với các công trình đập chứa. “Hiện công ty cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng bản đồ ngập lụt với cấp độ vỡ đập”, ông Nhẫn cho biết.

Trong khi đó, đối với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, đơn vị đang quản lý 9 hồ chứa trên địa bàn, hiện công tác kiểm tra an toàn hồ đập mùa mưa năm nay cũng đã được thực hiện. Phó giám đốc Công ty ông Lê Văn Toàn cho biết, trong 9 hồ chứa do công ty quản lý có 4 hồ có dung tích trên 10 triệu m3 nước, 3 hồ có dung tích trên 3 triệu m3 và 2 hồ có dung tích dưới 3 triệu m3 nước. “Hiện công ty đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho tất cả các hồ chứa này”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai nói.

Cũng theo ông Toàn, hiện lượng nước tại các hồ chỉ mới đạt 50% sức chứa của hồ, trong đó 4 hồ chứa lớn đều có phương án chi tiết ứng phó với sự cố và đảm bảo dung tích phòng lũ trong mùa mưa bão. Ngoài ra, công ty cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa 3 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú), hồ Sông Mây (Trảng Bom) và hồ Gia Ui (Xuân Lộc).

Phải luôn ở tâm thế sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh về kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 của Đồng Nai vào ngày 22-8, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho rằng Đồng Nai đã nhận thức đầy đủ về công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao tinh thần cảnh giác. Từ tỉnh đến địa phương đều chủ động thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, tỉnh không nên chủ quan mà phải luôn ở tâm thế sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây