Chủ động ứng phó với nguy cơ về gian lận xuất xứ

Thứ tư - 22/09/2021 14:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong thời gian qua, số lượng các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng lên.

Vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng, cũng như có thể tác động tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

z2781053435772_2b44db4f6003d15d1ae961d961acb80c.jpg?t=1752814360
              Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa.

Vào giữa tháng 8 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã cập nhật danh sách cảnh báo 10 mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại.

Cụ thể, các mặt hàng này gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Đáng chú ý, các mặt hàng này đều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Danh sách nói trên được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ và tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Quy tắc xuất xứ được ví như một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, CPTPP, RCEP đầy tiềm năng.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, những năm qua, Hội thường xuyên có các chương trình để thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, tổ chức những lớp tập huấn liên quan đến các vấn đề phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa đối với các FTA thế hệ mới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động, chương trình tập huấn bị gián đoạn, chưa thể triển khai. Trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Hội sẽ có phương án tổ chức các chương trình phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, thành viên của hội nâng cao các kiến thức về hội nhập, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, thuế quan… liên quan đến các FTA.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay, Sở thường xuyên bám sát chương trình thông tin, tuyên truyền của Bộ Công thương về hội nhập FTA. Sở cũng liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ Công thương để cập nhật, cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường xuất khẩu, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… của các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, trong thời gian tới, Sở sẽ linh động những hình thức kết nối các chương trình, hoạt động trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận các thông tin về hội nhập, xúc tiến thương mại trên nền tảng số…

                                                                                           Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây