UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2728/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sạt lở đất tại H.Tân Phú
BĐKD tác động đến sản xuất nông nghiệp
Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai ban hành cuối tháng 7-2021 cho thấy, Đồng Nai ít chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nhưng dưới tác động đô thị hóa, công nghiệp hóa và gia tăng dân số, các yếu tố như: nhiệt độ, lượng mưa, hạn hán, xâm nhập mặn thay đổi tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về nhiệt độ, nền nhiệt có khuynh hướng gia tăng liên tục trên phạm vi toàn tỉnh, mức tăng trung bình 0,028-0,063OC/năm. Trong đó, khu vực phía Nam bao gồm: TP.Biên Hòa và phần lớn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là vùng ghi nhận có các yếu tố nhiệt độ cao. Đây cũng là vùng gia tăng nền nhiệt cao nhất tỉnh. Kết quả này phản ánh thực tế sự tác động đồng thời của đô thị hóa, gia tăng diện tích bề mặt bê tông và BĐKH.
Tổng lượng mưa hằng năm tăng từ 1.300-2.000mm giai đoạn 2010-2015 lên phổ biến từ 1.700-2.600mm giai đoạn 2016-2020. Khu vực phía Bắc gồm các huyện: Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu có cường độ mưa hằng năm cao. Trong khi đó, khu vực phía Nam và Đông Nam như H.Cẩm Mỹ, H.Long Thành ghi nhận tổng lượng mưa hằng năm thấp. Sự tăng, giảm lượng mưa ở các khu vực đã gây ra các hiện tượng như sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Nhật Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tân Phú cho rằng, BĐKH đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Sự gia tăng lượng mưa hằng năm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn đất đồi. Tính đến tháng 6-2020, trên địa bàn huyện có 6 điểm sạt lở (2 điểm sạt lở đất đồi, 4 điểm sạt lở đất bờ sông) làm ảnh hưởng đến đời sống, việc đi lại của người dân. Ngoài ra, chu kỳ mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng theo mùa vụ.
Còn tại H.Cẩm Mỹ, sự thay đổi giảm lượng mưa khiến nhiều khu vực bị suy giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Ông Chế Văn Thành, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết, một số khu vực thuộc TT.Long Giao, các xã Xuân Đông, Xuân Tây không thể khai thác nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Một số khu vực khác người dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với nguồn nước. Lượng mưa ít khiến nhiều hồ chứa thủy lợi bị cạn vào mùa khô, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt về lâu dài.
Tại H.Nhơn Trạch, những năm gần đây, diện tích đất trồng lúa liên tục giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều khu vực, người dân chủ động chuyển sang nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả vì xâm nhập mặn và hạn hán. Ông Bùi Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) cho biết, trước đây xã Phước Khánh chủ yếu trồng lúa nước. Sau này, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn người dân chuyển sang trồng mía. Vài năm trở lại đây, cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân chuyển sang nuôi tôm và trồng cây ăn trái.
Chủ động thích nghi
BĐKH đã và đang tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó rõ nhất là nông nghiệp và môi trường sinh thái. BĐKH tác động đến năng suất cây trồng, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Sự gia tăng lượng mưa ở một số khu vực là nguyên nhân dẫn đến ngập úng, làm thay đổi dòng chảy của sông, suối dẫn đến sạt lở. Nền nhiệt, hạn hán và xâm nhập mặn biến đổi làm tăng nhu cầu khai thác và sử dụng nước dưới đất. Môi trường sinh thái ở một số khu vực bị thay đổi do nước biển xâm lấn, suy giảm tài nguyên rừng.
Nhằm ứng phó với BĐKH, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1257/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020. Kế hoạch ưu tiên 64 dự án liên quan đến công tác chống ngập, thoát nước, xây dựng và gia cố hồ đập thủy lợi, xây dựng ngăn mặn với tổng vốn đầu tư hơn 2,9 ngàn tỷ đồng. Phần lớn các dự án đã đưa vào sử dụng góp phần làm giảm tác động của mưa, nắng, xâm nhập mặn đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái của tỉnh.
Để tiếp tục ứng phó với BĐKH, ngày 10-8 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2728/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 86 chương trình, dự án ưu tiên.
Mục tiêu là xác định được các thách thức và cơ hội của BĐKH đối với quá trình phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương; những giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí thải nhà kính. Rà soát, điều chỉnh bổ sung yếu tố BĐKH trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH cho đội ngũ làm công tác môi trường các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng; quản lý, khai khác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phan Anh