Chợ truyền thống ở đô thị đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19

Thứ hai - 23/05/2022 14:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo Sở Công thương, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 139 chợ đang hoạt động, trong đó có 120 chợ ở nông thôn và 19 chợ ở thành thị, tập trung phần lớn ở TP.Biên Hòa. Đại diện ban quản lý của nhiều chợ ở TP.Biên Hòa cho biết, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, người tiêu dùng dần quen với việc mua sắm online. Ngoài ra, tình hình thị trường liên tục có những biến động vì “bão giá” càng khiến cho nhiều chợ rơi vào tình cảnh ế ẩm, sức mua giảm sút.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo tại chợ Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo tại chợ Biên Hòa

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá xăng dầu liên tục ở mức cao đã làm nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, nhất là các loại thực phẩm từ gạo, thịt cá, rau củ quả, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… cho đến đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Điều này buộc các gia đình phải cân đối, thắt chặt lại chi tiêu, từ đó tác động trực tiếp đến sức tiêu thụ tại các chợ.

Chị Như Hoa, chủ một sạp kinh doanh thủy, hải sản ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, sức mua thời gian qua giảm khá nhiều, trong khi giá hàng nhập về lại thường xuyên biến động do giá xăng dầu và nhiều chi phí vận chuyển tăng cao, từ đó “kéo” giá bán tăng theo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho sức tiêu thụ giảm, nhất là khi đối tượng khách hàng chính của chợ là công nhân, người lao động lại ngày càng thắt chặt chi tiêu vì “bão giá”.

Bà Thanh Thúy, một tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ Biên Hòa bày tỏ, sức tiêu thụ thời gian qua giảm khoảng 50% do đời sống người dân gặp khó khăn, nhiều người “ngại” đi chợ hơn so với trước đây. Trong khi đó, giá các loại trái cây biến động nhiều vì chợ ế, sức tiêu thụ thấp. Lượng hàng nhập về vì thế cũng phải cân đối kỹ lưỡng, không dám nhập hàng về nhiều.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 và “bão giá” đã tác động trực tiếp tới những cửa hàng, sạp kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ. Thậm chí, do sức mua thấp, cũng như không thể gồng gánh nổi các chi phí liên quan nên một số tiểu thương đã bỏ sạp, sang nhượng lại sạp hoặc chuyển về nhà riêng để kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay, sức mua tại chợ khá chậm, giảm khoảng 40% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong đó, giảm mạnh nhất là các sạp hàng như giày dép, quần áo… Ngay cả những mặt hàng thực phẩm, gia vị… tuy sức mua có khả quan hơn nhưng nhìn chung cũng giảm sút nhiều từ sau dịch khi phải cạnh tranh với sự phát triển của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cũng như sự xuất hiện của các khu, điểm bán hàng tự phát…

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị và đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng “phủ sóng” khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm so với trước đây. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất. Do đó, để tồn tại, mô hình chợ truyền thống trong các đô thị cần tự làm mới mình, không để “hụt hơi” quá xa so với các kênh bán lẻ hiện đại.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây