Cho đi là còn mãi…

Thứ sáu - 07/09/2018 01:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tình nguyện đăng ký hiến xác, hiến tạng, giác mạc… sau khi qua đời và được nhiều người hưởng ứng. Hiện các cấp Hội đã tiếp nhận trên 100 trường hợp đăng ký hiến tạng, hiến mô, giác mạc, hiến xác.​

Cho đi là còn mãi

Được sự giới thiệu của Hội CTĐ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bạch Trọng Lâm (44 tuổi, tổ 3, ấp 4, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ), hai vợ chồng anh là người tiên phong tại địa phương tham gia đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Anh Lâm chia sẻ, trước đây, vợ chồng anh thường xem các chương trình nhân đạo, từ thiện trên ti vi, như: vượt lên chính mình, vòng tay nhân ái, trái tim cho em, nhất là chương trình hiến mô, hiến tạng để cứu sống người bệnh, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Từ đó, vợ chồng anh cùng có chung suy nghĩ, sau khi mất đi mà mô, tạng của mình có thể cứu sống được nhiều người khác, tạo cho họ có cuộc sống hạnh phúc thì nên hiến. Nghĩ là làm, năm 2016, được sự hướng dẫn của Hội CTĐ, hai vợ chồng anh đã đăng ký cùng hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh sau khi qua đời. “Từ khi vợ chồng có cùng ý nghĩ, bàn bạc và đi đến quyết định hiến tạng trong thời gian khoảng 3 - 4 tháng. Khi nghe tin, gia đình hai bên rất đồng tình ủng hộ, đặc biệt là bố mẹ vợ cũng muốn tham gia hiến mô, tạng nhưng do gia đình ở xa nên chưa thể đăng ký”, anh Lâm kể.

Chị Thái Thị Huyền (39 tuổi, vợ anh Lâm), bộc bạch: “Giả sử, nếu trong gia đình mình có người bệnh mà may mắn được người khác hiến mô, tạng cứu sống thì mình mừng lắm. Ngược lại, sau khi mình mất đi mà việc hiến mô, tạng cứu sống được người khác thì gia đình họ cũng rất hạnh phúc. Mình nghĩ vậy nên đồng ý cùng chồng tham gia hiến tạng với mong muốn góp một việc nhỏ ý nghĩa cho xã hội”.  


 Vợ chồng anh Lâm (giữa) chia sẻ về câu chuyện đăng ký hiến tạng của mình.

Anh Lâm hiện làm cán bộ thường trực Đảng ủy xã Thừa Đức, còn vợ anh công tác tại một trường mầm non đóng trên địa bàn. Ngoài ra, hai vợ chồng còn tận dụng thời gian rảnh nhận may gia công quần áo để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định và có điều kiện nuôi 2 con (người con lớn 21 tuổi, người út 14 tuổi) ăn học đàng hoàng. Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Lý Phước Thiện cho biết: “Trong thời gian công tác tại địa phương, đồng chí Lâm rất năng nổ, nhiệt tình và luôn đoàn kết, giúp đỡ anh em cùng tiến bộ. Hằng năm, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đạo đức công vụ rất tốt. Điều đáng quý, khi nghe tin đồng chí Lâm cùng người thân tham gia đăng ký hiến tạng sau khi qua đời khiến chúng tôi hết sức xúc động vì đây là nghĩa cử cao quý, mang tính nhân văn cao. Đồng chí Lâm là tấm gương sáng để địa phương tuyên truyền rộng rãi cho mọi người cùng tham gia hiến mô, tạng, cứu người bệnh đang cần sự sống, nhằm giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

Cùng với việc thường xuyên làm việc thiện như cắt tóc miễn phí cho người bệnh nghèo, hiến máu nhân đạo, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Liêm (42 tuổi, ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) còn có tâm nguyện hiến xác sau khi qua đời, với mong muốn giúp cho sinh viên ngành Y có điều kiện học tập, nghiên cứu để trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai, từ đó có thể cứu chữa được nhiều người bệnh. Năm 2011, Hội CTĐ địa phương đã hướng dẫn vợ chồng anh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến xác tại Bệnh viện đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Tương tự, ngoài việc tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, bà Phạm Thúy Son (53 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) đã đăng ký hiến xác sau khi qua đời, với mong muốn góp phần cho ngành Y ngày càng phát triển để có thể cứu chữa được nhiều bệnh nan y. Thời gian đầu, bà cũng gặp nhiều khó khăn vì sự ngăn cản của người chồng. Thực hiện phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, hằng ngày, bà dành nhiều thời gian gần gũi chồng và giải thích, thuyết phục để chồng bà hiểu được ý nghĩa của việc hiến xác. Sau này, người chồng cũng “xung phong” đăng ký hiến xác cùng với bà.

Lan tỏa nghĩa cử nhân văn cao cả

Trước đây, việc hiến xác, tạng, giác mạc… để cứu người còn xa lạ với nhiều người. Thế nhưng hiện nay, tinh thần “cho đi là còn mãi” đang được lan rộng làm thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người. Chính vì vậy, họ sẵn sàng cho đi một phần cơ thể của mình để hiến cho người khác, cho y học. Sự cống hiến của họ là nghĩa cử cao quý đáng trân trọng.

Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, việc vận động hiến xác, mô, tạng, giác mạc là một trong 7 nhiệm vụ quan trọng mà các cấp Hội CTĐ của tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện trong thời gian qua. Trước đây, việc thực hiện chương trình này cũng gặp nhiều khó khăn, bởi do quan niệm, nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, nhờ các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã có những suy nghĩ hiện đại và tích cực tham gia đăng ký hiến tạng, mô, giác mạc… sau khi qua đời.


 Những ai đăng ký hiến mô, tạng, xác… sẽ được cấp thẻ chứng nhận theo quy định.

Hiện nay, Hội CTĐ đã tiếp nhận trên 100 trường hợp đăng ký hiến tạng, mô, giác mạc, hiến xác… Hội cũng đã gửi hồ sơ về Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người của Bộ Y tế (tại Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Hội còn đang “kết nối” với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh để gửi các hồ sơ, đặc biệt những hồ sơ xin hiến xác. Hiện người bệnh đang có nhu cầu ghép mô, tạng, giác mạc ngày càng nhiều, trong khi số lượng người đăng ký hiến các bộ phận trên cơ thể vẫn còn khiêm tốn. Do đó, các cấp Hội cũng khuyến khích người dân tiếp tục hiến mô, tạng, giác mạc, để giúp cho người bệnh đang cần chữa trị nhằm đem lại sự sống cho họ. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia tích cực vào chương trình ý nghĩa này ngày càng nhiều hơn”, bà Thiện nói.

Nhu cầu ghép mô, tạng, giác mạc tăng cao

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trực thuộc Bộ Y tế, số lượng người được ghép mô, tạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi đó số người có nhu cầu cao gấp hàng chục lần. Hiện cả nước đang có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép; trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Cùng với đó, cả nước đang có khoảng 300.000 người bị các bệnh lý về mắt; trong đó, hơn 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc…

Hiện nay, ở Việt Nam hiện có 2 địa chỉ chính thức tiếp nhận đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng, gồm: Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây