Nghị quyết 68/NQ-CP quy định, trong 7 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, đối tượng thụ hưởng sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Và trong 2 ngày kể từ khi được tỉnh duyệt chi, tiền phải cấp phát đến tay người thụ hưởng. Song trong thực tế, rất khó để đạt đúng tiến độ này. Thế nhưng công tác chi trả hỗ trợ đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực.
Người lao động tự do ở P.Quang Vinh nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội
* Áp lực vì thiếu nhân lực
Theo ghi nhận tại một số địa phương có số lượng lớn đối tượng được nhận hỗ trợ như TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch và H.Trảng Bom, hiện nay công tác lấy thông tin, xác minh và hoàn tất hồ sơ để trình UBND tỉnh duyệt chi, tổ chức cấp phát... đang gặp nhiều áp lực và khó khăn, đòi hỏi cần được tăng cường thêm nhân lực mới có thể bảo đảm theo đúng tiến độ.
Mới đây, Phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa đề xuất UBND thành phố hỗ trợ nhân sự để giải quyết các chế độ xã hội. Theo Trưởng phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa Nguyễn Kim Bích Huyên, ngoài công việc chuyên môn, hiện cán bộ, công chức của đơn vị đang thực hiện công tác hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP và tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác. Dù UBND thành phố đã trưng tập 8 nhân sự từ các cơ quan khác hỗ trợ đơn vị nhưng vẫn cần thêm 5 người thực hiện công tác tổng hợp, giải quyết các chế độ hỗ trợ cho kịp thời do khối lượng hồ sơ doanh nghiệp gửi về đăng ký nhận hỗ trợ (chủ yếu trên Cổng thông tin điện tử và qua bưu điện) khá lớn và công tác kiểm tra chống chi trùng đối với trên 79 ngàn lao động tự do đã được tỉnh phê duyệt chi trả hỗ trợ chiếm nhiều thời gian.
Tại H.Trảng Bom, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Trảng Bom Mạnh Thị Hằng cho hay, đơn vị có 9 cán bộ, công chức nhưng mùa dịch phải chia nhau phụ trách rất nhiều công việc, trong đó chỉ có 2 cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ gói an sinh xã hội. Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, có tới 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ, chỉ riêng nhóm lao động bị ngưng việc trong toàn huyện đã có đến 97,8 ngàn người và lao động tự do là hơn 20,3 ngàn người.
Bà Hằng cho biết, để có thể hoàn tất hồ sơ hỗ trợ cho một lượng lớn NLĐ, công tác lấy thông tin, xác minh, hoàn tất hồ sơ và thực hiện cấp phát tiền hỗ trợ tận tay người thụ hưởng tại huyện đang gặp nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lực lượng cán bộ cơ sở còn tăng cường cho công tác tập trung chống dịch nên khi tiếp nhận hồ sơ của các đối tượng gửi về, cán bộ xã, thị trấn, khu, ấp không có thời gian để kiểm tra, xác minh, nhất là những khu vực bị phong tỏa nghiêm ngặt hoặc ở những khu nhà trọ đông người...
Cũng theo thông tin từ một số địa phương trong tỉnh, đợt hỗ trợ lần này, thủ tục làm hồ sơ nhận hỗ trợ không yêu cầu xác minh nơi thường trú, chỉ cần bản cam kết không nhận hỗ trợ ở nơi khác nên rất dễ xảy ra tình trạng chi trùng vì một số đối tượng lợi dụng quy định mở để đứng tên nhiều nhóm đối tượng khác nhau và nhận tiền nhiều lần. Do đó, một số địa phương phải tạm dừng tiếp nhận hồ sơ mới để tổ chức xác minh, thẩm định số hồ sơ đã nhận được, nhằm kịp thời loại ra những đối tượng đã nhận tiền nhưng khai man để tiếp tục nhận hỗ trợ.
* Cần quản lý công tác an sinh xã hội bằng công nghệ thông tin
Hiện tại, các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xác minh, thẩm định hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, quy định phải chuyển khoản hoặc cấp phát trực tiếp đến tận tay từng người thụ hưởng trong 2 ngày (kể từ khi được tỉnh duyệt chi) là rất khó khi điều kiện nhân lực có hạn.
Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Trảng Bom Mạnh Thị Hằng cho biết thêm, số lượng người được nhận hỗ trợ trên địa bàn huyện rất lớn. Đối với những công ty ít người, Phòng LĐ-TBXH huyện đã tổ chức chuyển khoản từng người đủ điều kiện được hưởng. Nhưng có những công ty quá đông, có từ 20-35 ngàn lao động, cùng hàng chục ngàn lao động tự do và các nhóm đối tượng khác... nếu chuyển khoản cho từng người thì mất rất nhiều thời gian, chưa kể không phải NLĐ nào cũng có tài khoản ngân hàng.
“Ngay cả đối với những trường hợp lao động tự do phải cấp phát trực tiếp, các xã phải mời người dân lên nhận tiền mặt. Nếu chia khung giờ để mời người dân lên nhận tiền, bảo đảm giãn cách thì khó có thể hoàn tất trong 2 ngày theo quy định” - bà Hằng nói. Mới đây, UBND huyện đã bổ sung 3 người để đẩy nhanh tiến độ giải quyết chế độ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn.
Theo Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình, những ngày qua, cán bộ, công chức trong đơn vị đã làm cả ngoài giờ hành chính lẫn ngày cuối tuần để hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh; đồng thời tổ chức cấp phát tiền một cách sớm nhất cho các đối tượng thụ hưởng nhưng rất khó chi trả hết trong vòng 2 ngày (kể từ khi được tỉnh duyệt chi) vì không đủ nhân sự thực hiện.
Trước thực tế này, một số địa phương kiến nghị, đối với những công ty lớn, có đông công nhân thì cho chuyển khoản về một đầu mối là công ty để công ty cấp phát cho công nhân, sau đó công ty sẽ thanh quyết toán lại, thay vì phải chuyển khoản cho từng NLĐ. Ngoài ra, không khống chế thời gian phải cấp phát trong 2 ngày để hạn chế tình trạng quá đông người tập trung trong một thời gian ngắn, tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mặt khác, để công tác hỗ trợ được nhanh, gọn, minh bạch, tránh trùng, theo các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cụ thể cần có một ứng dụng thống nhất để người dân có thể đăng nhập, điền mẫu và gửi đi. Việc này sẽ bớt vất vả cho cán bộ xã, phường, khu, ấp khi không phải làm các công đoạn thủ công, hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh; đồng thời tránh được tình trạng trùng lắp do khai man để nhận hỗ trợ nhiều lần.
Hạ Di
Triển khai thí điểm phần mềm an sinh xã hội RTWORK
Mới đây UBND TP. Biên Hòa vừa phối hợp với Tỉnh đoàn Đồng Nai triển khai thí điểm hệ thống phần mềm quản lý công tác an sinh xã hội (RTWORK) trên địa bàn 2 phường Bửu Long và Hiệp Hòa.
Theo đó, để bảo đảm việc triển khai hệ thống RTWORK giúp cho cán bộ công chức, viên chức thực hiện các quy trình quản lý các dữ liệu đầy đủ, chặt chẽ, đúng theo số lượng, tiêu chí về cung ứng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu cũng như chính sách giải quyết các chế độ hỗ trợ cho người dân, UBND TP.Biên Hòa đã giao nhiệm vụ cho Phòng LĐ-TBXH, Phòng VH-TT, Thành đoàn Biên Hòa và Chủ tịch UBND 2 phương Bửu Long và Hiệp Hòa phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai, hướng dẫn, tập huấn hệ thống RTWORK, hỗ trợ người dân đăng ký thông tin và sử dụng hệ thống phần mềm thông qua ứng dụng RTWORK .
Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1-10 đến ngày 30-10-2021. Sau đó từ ngày 1-11-2021 sẽ triển khai rộng hệ thống RTWORK này cho 28 xã, phường còn lại.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập