Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, giữ rừng tại gốc nên công việc khá vất vả, áp lực, nhưng mức thu nhập thấp, chưa đảm bảo cuộc sống. Hiện nhiều người lần lượt xin nghỉ việc, khiến công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn đang gặp khó khăn.

Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú
Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú
Vừa qua, Đoàn công tác của HĐND tỉnh đi khảo sát tại các đơn vị chủ rừng nhằm phục vụ việc ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ với lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027. Đoàn đã dành thời gian đến tận các trạm nằm sâu trong rừng của Phân trường 3, Phân trường 6 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú và Phân trường Đầm Voi, Phân trường Gia Phu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc để tìm hiểu cuộc sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của lực lượng bảo vệ rừng.
Công việc giữ rừng vất vả nhưng thu nhập chưa tương xứng
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, hiện đơn vị được giao quản lý hơn 10,3 ngàn ha rừng. Trong đó, một số phân trường của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc nằm sâu trong rừng với nhiều cái không: không điện, không sóng điện thoại, không nước máy mà phải sử dụng nước giếng đào nhiễm phèn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của anh em bảo vệ rừng không đảm bảo.
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, thường xuyên di chuyển với quãng đường dài trong rừng sâu, đường sá cách trở, nhất là vào mùa mưa, nhiều đoạn bị sình lầy hoặc bị chia cắt bởi các con suối sâu. Còn mùa khô, lực lượng phải làm việc gấp đôi so với ngày thường, mỗi tháng chỉ được nghỉ 2 ngày chủ nhật, thời gian còn lại dồn sức cho công việc phòng, chống cháy rừng.
Theo đề án bố trí việc làm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là 65 người nhưng hiện tại chỉ có 56 người. Số lượng nhân sự đang thiếu nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. Thời gian qua, đơn vị thường xuyên thông báo tuyển dụng nhân sự nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ nào đăng ký. “Từ những khó khăn trong thực tiễn, chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đến lực lượng bảo vệ rừng và sớm có chính sách hỗ trợ để nâng cao mức thu nhập cho anh em nhằm tạo động lực cho họ yên tâm bám rừng và hoàn thành tốt công tác, nhiệm vụ được giao” - ông Long cho hay.
Theo ông Nguyễn Lê Anh Tuấn Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, đơn vị có 7 phân trường và được giao quản lý hơn 18 ngàn ha nằm trên địa bàn 2 huyện: Định Quán và Tân Phú. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên xa gia đình để ngày đêm bám rừng làm nhiệm vụ, những nơi nguy hiểm, phức tạp thì họ phải có mặt và luân phiên nhau mật phục canh giữ. Các trạm nằm sâu trong rừng còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thậm chí có nơi không điện, sóng điện thoại, wifi... khiến cuộc sống của mọi người gặp nhiều khó khăn. “Mỗi ngày, anh em phải di chuyển tuần tra rừng từ 30-40km bằng xe máy và cả đi bộ, trong khi hệ thống đường tuần tra rừng hầu hết là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”, đi lại rất khó khăn” - ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, mức thu nhập của nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quá thấp so với mặt bằng chung, đa số có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/người/tháng, không đảm bảo cuộc sống nên nhiều người đã lần lượt bỏ nghề. “Biên chế được giao cho đơn vị là 94 người, nhưng hiện chỉ có 83 người. Trong năm 2022, đơn vị có 11 người xin nghỉ việc; một số người trẻ tuổi làm việc một thời gian ngắn rồi nghỉ vì không chịu nổi khó khăn, thiếu thốn; những người có kinh nghiệm không chịu nổi mức lương thấp nên cũng xin chuyển sang công việc khác. Đơn vị tổ chức 2 đợt tuyển dụng nhưng chỉ được 3 người vào làm việc” - ông Tuấn tâm sự.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Ngô Văn Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, lực lượng kiểm lâm thực thi nhiệm vụ về rừng, tuy nhiên kiểm lâm có chế độ chính sách tốt hơn so với lực lượng bảo vệ rừng. Ngoài lương, kiểm lâm còn được hưởng phụ cấp công vụ 25%; phụ cấp ưu đãi theo nghề (tùy theo mức độ được hỗ trợ 10% cho Văn phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 15% cho Hạt kiểm lâm cấp huyện, 40% cho kiểm lâm phụ trách địa bàn) và phụ cấp thâm niên nghề. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng phải thường xuyên bám sát rừng, ăn ở, sinh hoạt chủ yếu trong rừng nên rất vất vả và đối diện nhiều hiểm nguy lại không được hưởng các phụ cấp như kiểm lâm. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định việc hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ rừng sao cho phù hợp, giúp anh em có thêm thu nhập để yên tâm công tác” - ông Vinh cho hay.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, hiện lực lượng bảo vệ rừng Đồng Nai có khoảng 200 người làm nhiệm vụ quản lý trên 30 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp. Thực trạng đời sống của lực lượng bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, ngoài chế độ của một viên chức bình thường thì họ không còn khoản thu nào khác. Thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng chỉ bằng một nửa so với kiểm lâm (kiểm lâm khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, còn lực lượng bảo vệ rừng chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng).
Mức thu nhập trên là chưa tương xứng với công sức mà lực lượng bảo vệ rừng đã bỏ ra. Bởi công việc của họ hết sức nặng nề, thường phải xa nhà và ở sâu trong rừng để làm nhiệm vụ canh giữ rừng. Điều kiện làm việc trong rừng còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, một số trạm không có sóng điện thoại, điện chiếu sáng; đường sá đi lại trong rừng cách trở. Hơn nữa, công việc của họ chịu nhiều áp lực vì thường phải đối mặt với các đối tượng xâm phạm rừng trái phép manh động, chống đối. Nếu không có giải pháp kịp thời, về lâu dài đội ngũ này sẽ giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến công tác QLBVR càng thêm khó khăn hơn. “Chúng tôi hy vọng những ý kiến, kiến nghị của lực lượng bảo vệ rừng sẽ được đoàn công tác HĐND tỉnh xem xét và có được sự hỗ trợ, bù đắp thỏa đáng, đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu để giúp anh em yên tâm công tác tốt” - ông Lê Văn Gọi đề xuất.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho biết, tất cả các ý kiến, kiến nghị của anh em được đoàn ghi nhận và có sự nghiên cứu kỹ để ban hành nghị quyết sao cho phù hợp, đảm bảo, nhằm động viên anh em tiếp tục bám trụ, làm tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.