Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Khu Văn Hải, TT.Long Thành (H.Long Thành) bà Lê Thị Thu Trang luôn gương mẫu trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, làm tốt vai trò chi hội trưởng, là tấm gương sáng cho hội viên phụ nữ noi theo.
Bà Lê Thị Thu Trang (bìa phải) đang giới thiệu sản phẩm giỏ xách tại gian hàng trưng bày do Hội LHPN tỉnh tổ chức
Bà Lê Thị Thu Trang (bìa phải) đang giới thiệu sản phẩm giỏ xách tại gian hàng trưng bày do Hội LHPN tỉnh tổ chức
Vươn lên phát triển kinh tế
Bà Trang cho biết, bà sinh ra ở Đà Nẵng nhưng theo cha mẹ vào Sài Gòn (nay là TP.HCM) sinh sống. Nhà đông anh em, cuộc sống khó khăn, từ khi còn là học sinh lớp 7, lớp 8 bà đã xin cha mẹ nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên cha mẹ động viên bà học hết THCS để sau này có cơ hội học tiếp hoặc xin đi làm công nhân.
Sau khi tốt nghiệp THCS, bà Trang xin đi làm thuê cho một xưởng đan da simili (dùng may các loại túi xách). Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát nên từ những ngày đầu đi làm bà luôn cố gắng làm tốt công việc của mình, đồng thời chú ý quan sát, học hỏi cách làm túi xách; lân la dò hỏi các đầu mối mua nguyên liệu; các nơi tiêu thụ sản phẩm… Vài tháng sau, bà quyết định nghỉ việc, tìm mua các loại nguyên vật liệu và bắt đầu khởi nghiệp với việc làm túi xách.
Theo chia sẻ của bà Trang, thời điểm ấy trong gia đình mẹ và các chị đều không có việc làm cho nên bà khởi nghiệp vừa là để tìm ra lối đi riêng cho bản thân, vừa để giải quyết việc làm cho những người trong gia đình. Bà mua nguyên vật liệu về, hướng dẫn cho mọi người các công đoạn để làm ra sản phẩm hoàn thiện. Có được sản phẩm, bà là người đem đến các chợ để chào hàng. Chân ướt chân ráo bước ra khởi nghiệp cũng bị cạnh tranh, ép giá nhưng bà vẫn kiên định, không để bị ép giá.
Năm 1985, bà Trang lập gia đình, theo chồng về Long Thành sinh sống và tiếp tục công việc làm túi xách. Bà Trang kể, mỗi lần đi giao hàng trên các chợ ở Sài Gòn, bà tranh thủ lấy các mặt hàng như: gương, lược, kim chỉ, kẹp tóc,… về bỏ mối cho các tiểu thương ở Long Thành kiếm tiền chênh lệch. Sau này, bà để cho chồng phụ trách công việc làm túi xách, còn bà vừa bỏ sỉ, vừa bán lẻ các mặt hàng gương, lược, kim chỉ, kẹp tóc… Từ một cái mẹt hàng những ngày đầu, bà phát triển dần thành một sạp hàng lớn với đầy đủ các mặt hàng tại chợ Long Thành. Không chỉ duy trì bán các mặt hàng cố định, bà còn tìm nguồn cung cấp các mặt hàng người dân cần để kiếm thêm thu nhập.
Việc làm túi xách theo cách cũ dần không còn phù hợp, bà đầu tư máy may để chồng tập may, tìm các mẫu ba lô, túi xách mà thị trường đang ưa chuộng để nghiên cứu cách làm theo. Thấy công việc may balo, túi xách khả quan, bà Trang đã thanh lý sạp hàng, cùng chồng đầu tư thêm máy móc, mở cơ sở may giỏ xách, phụ kiện thời trang Minh Trang. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, cơ sở của vợ chồng bà bị thua lỗ mấy tháng liên tiếp khiến bà phải vay mượn tiền để trả nợ và phục hồi sản xuất. Kiên trì vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, cơ sở của gia đình bà dần đi vào hoạt động, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nhờ đó, bà có điều kiện để nuôi các con ăn học, tích cực đóng góp cho xã hội.
Làm tròn vai trò chi hội trưởng
Bà Trang cho hay, lấy chồng về Long Thành sinh sống được khoảng 2 năm bà tham gia sinh hoạt Hội tại Chi hội Khu Văn Hải, TT.Long Thành. Là một trong những hội viên nhiệt tình, tích cực nên chỉ sau một thời gian tham gia sinh hoạt bà được hội viên phụ nữ bầu làm Tổ trưởng tổ phụ nữ và từ năm 2014 đến nay bà liên tiếp được hội viên bầu làm Chi hội trưởng chi hội phụ nữ Khu Văn Hải, TT.Long Thành.
Là chi hội trưởng, bà luôn gương mẫu đi đầu trong công tác Hội và phong trào phụ nữ; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam; thực hiện phong trào thi đua của Hội gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Bên cạnh đó, bà còn làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận được với các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng như: quỹ CEP, Ngân hàng CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân Long Thành và vận động hội viên tham gia các hoạt động tương trợ, quỹ tiết kiệm để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Với những hội viên phụ nữ gặp khó khăn đột xuất bà cũng đều vận động hội viên phụ nữ trong chi hội cùng chung tay hỗ trợ. Hàng năm, bà đều dành tặng những phần quà là những chiếc balo do chính cơ sở của bà sản xuất để tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bà cũng là người đã gầy dựng được CLB Khiêu vũ TT.Long Thành phát triển từ 17 thành viên lên 57 thành viên. Bà Trang cho biết, CLB được thành lập từ năm 2020. Từ khi thành lập đến nay, cứ hơn 5 giờ, các thành viên CLB lại tập trung ở Vườn Dầu (vườn cây ở trung tâm thị trấn) để cùng nhảy. Theo chia sẻ của bà Trang, để các thành viên có thể nhảy được các điệu nhảy trong khiêu vũ, bà đã chủ động đăng ký các lớp học nhảy và trở về hướng dẫn tập cho các thành viên nhảy. Ngoài việc tạo môi trường để tập hợp hội viên phụ nữ, tăng cường sức khỏe cho các thành viên, CLB còn tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện của địa phương.
Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Chủ tịch Hội LHPN TT.Long Thành nhận định, không chỉ là phụ nữ nghị lực, vươn lên phát triển kinh tế mà bà Trang còn là một trong những chi hội trưởng nhiệt tình, năng nổ trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của địa phương… Nhờ vậy, Chi hội phụ nữ khu Văn Hải năm nào cũng được đánh giá là chi hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.