Lựa chọn lĩnh vực cơ khí, chuyên sản xuất, máy nghiền đá cho các mỏ đá từ Bắc vào Nam, ông Vũ Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Trang Minh Đức (TP. Biên Hòa) cho hay sản phẩm của ông hiện tại cũng đã được xuất khẩu nhiều sang Campuchia.

Ông Toàn kiểm tra quá trình sản xuất sản phẩm
Ông Toàn kiểm tra quá trình sản xuất sản phẩm
Với lĩnh vực khá “độc”, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) luôn dồi dào, đặc biệt là khi nhiều dự án hạ tầng lớn đã và đang được khởi công. Mặc dù vậy ông Toàn cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong giai đoạn giá vật liệu, linh kiện máy móc nhập khẩu tăng vọt như hiện nay.
Rẻ hơn máy nhập ngoại
Ông Toàn kể mình đã có hơn 20 năm theo ngành nghề cơ khí, chế tạo. Việc sản xuất hệ thống, dây chuyền máy nghiền đá thời điểm đó cũng rất phù hợp khi nền kinh tế đang “bùng nổ”, kéo theo nhu cầu khai thác đá phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng hơn liên tục tăng. Đến năm năm 2003, ông thành lập cơ sở chế tạo cơ khí sản xuất máy nghiền đá và năm 2007 thì nâng cấp lên DN để đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Từ làm những sản phẩm công suất nhỏ, cung cấp những linh kiện để sửa chữa máy móc cho các hệ thống khi có sự cố...dần dần tích lũy kinh nghiệm, ông Toàn bước vào sản xuất lớn hơn. Khi khách hàng thấy máy của ông sử dụng ổn định, giá lại hợp lý, từ đó đối tác đặt phụ tùng thay thế nên hoạt động của nhà máy phát triển mạnh lên. Đặc biệt, vật tư, sắt thép để sản xuất cấu kiện, đan sàng đá phải nhập khẩu vì thép sản xuất trong nước không đáp ứng được. Sản phẩm sản xuất trong nước nhưng nguyên liệu vẫn là ngoại nhập cho nên bài toán chi phí sản xuất, tối ưu hóa giá trị cho cả nhà cung ứng lẫn đối tác luôn phải được đặt lên hàng đầu.
“Tôi vốn là dân cơ khí, được đào tạo bài bản trong trường nhưng những kinh nghiệm, kiến thức phần lớn đều được trải qua thực hành, lăn lộn trên thực tế. Làm việc này thì nghề dạy người bởi không như những ngành sản xuất hàng tiêu dùng khác, mọi thứ đều phải mày mò, học hỏi”, ông Toàn nói về quá trình khởi nghiệp của mình.
Nhờ khả năng chế tạo được máy thay thế nhập khẩu, sản phẩm của ông cung ứng ra thị trường có giá cả phải chăng, thậm chí có những máy móc giá thành chỉ bằng một nửa so với nhập ngoại. Đơn cử như mỗi dàn máy nhỏ có công suất 250 tấn/giờ nếu nhập khẩu từ Nhật Bản có giá hơn 20 tỷ đồng, từ Hàn Quốc là khoảng 16 tỷ đồng và của Trung Quốc hơn 10 tỷ đồng, nhưng chế tạo tại Việt Nam chỉ có giá 8 tỷ đồng.
Chủ động nguyên vật liệu cho sản xuất
Không chỉ làm máy nghiền đá, sàng đá mà theo ông Toàn, những năm gần đây, nhu cầu xây dựng các dự án hạ tầng lớn của quốc gia, xây dựng nhà máy xí nghiệp, nhà ở dân dụng đang gia tăng nhanh nên nguồn nguyên, vật liệu xây dựng ngày càng khan hiếm, đặc biệt là cát xây dựng. Đây là loại tài nguyên khai thác nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Sẵn có kinh nghiệm làm máy xay đá, ông Toàn đã nghiên cứu để sản xuất dây chuyền sàng cát nhân tạo và được khách hàng đặt mua ngày càng nhiều.
Về xu hướng phát triển thời gian tới, ông Toàn cho hay, nhu cầu về khai thác đá để làm đường, làm gạch và làm cát rất cao nên ngành công nghiệp chế tạo máy cho lĩnh vực khai thác mỏ vẫn còn nhiều “đất” phát triển. Ông sẽ liên tục cập nhật công nghệ tiên tiến để thay đổi sản xuất và cho ra những dàn máy nghiền hiệu quả hơn.
Một vấn đề nữa mà DN quan tâm hiện nay là giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhất là những cấu kiện thép chuyên dụng. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận. Do vậy, ông Toàn đang nỗ lực để dự trữ nguyên vật liệu phục vụ chế tạo máy móc trước những biến động của thị trường. “Tranh thủ điều kiện, chúng tôi sẽ phải lùng mua những nguyên vật liệu cần thiết để dự trữ, hiện nhu cầu mua hàng nguyên liệu tăng cao những nguồn cung cũng không dễ dàng gì”, ông Toàn chia sẻ thêm.