Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, thực hiện Nghị định số 61 về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, đến nay cả nước đã có 59 địa phương tổ chức trung tâm hành chính công; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND xã An Viễn, H.Trảng Bom
Chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương có tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.
Nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Tại Đồng Nai, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, UBND tỉnh cho biết, trong năm qua, tỉnh đã tập trung kiện toàn nhân sự, rà soát chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC, TTHC liên thông; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống CNTT và cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa các cấp.
Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trung tâm đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo các hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân được an toàn, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích.
Trong đó, đối với các sở, ngành có số TTHC có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 85% (Sở Ngoại vụ, TT-TT, KH-CN, VH-TTDL, Tài chính...) được rút gọn đầu mối tiếp nhận và trả kết quả; bổ sung nhân sự tiếp nhận hồ sơ TTHC ngành Bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, thực hiện công khai đầy đủ thông tin về quá trình tiếp nhận và kết quả giải quyết TTHC; chia sẻ dữ liệu, đảm bảo thông tin chính xác, đồng bộ giữa phần mềm Egov, trên các trang thông tin điện tử. Tăng cường theo dõi, giám sát thường xuyên tiến độ giải quyết hồ sơ, tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Ngoài ra, tiến độ giải quyết TTHC của 20/20 sở, ngành, 11/11 UBND cấp huyện, 170/170 UBND cấp xã được công khai tới người dân, tổ chức trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin cải cách hành chính, cổng tra cứu dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời, cho phép người dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức qua nhiều phương tiện khác nhau. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và tăng cường hiệu quả công khai minh bạch trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, làm cơ sở để đánh giá trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC. Nhờ vậy, chất lượng giải quyết hồ sơ được nâng lên. Trong năm 2021, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn của cấp tỉnh đạt 99,43%, cấp huyện đạt 99%, cấp xã đạt 98,6%.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Các đại biểu tại TP.Biên Hòa tham gia Hội nghị trực tuyến về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song nhìn chung trên phạm vi cả nước, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động…
Tại Đồng Nai, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại cấp huyện chưa đạt so với mục tiêu đề ra; việc số hóa hồ sơ TTHC còn chậm, chưa thực hiện lưu trữ hồ sơ điện tử đáp ứng các quy định hiện hành…
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngày 27-3-2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Quyết định đã đặt mục tiêu, đến năm 2022, giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần giao dịch. Đến giai đoạn 2023-2025, hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia; 80% người dân, daong nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó). Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng hồ sơ tiếp nhận. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025…
Bám sát Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 5755/KH-UBND xác định mục tiêu cụ thể, đề xuất các giải pháp và phân công các đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2021-2025. Qua đó, hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động.
Trang Thư