(CTT-Đồng Nai) - Tại Đồng Nai, người khuyết tật (NKT) được thụ hưởng đầy đủ các chế độ trợ cấp, ưu tiên từ chính sách.
Đồng thời nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng.

Chị Lương Thị Kiều Thúy (bên phải) cùng nhân viên gấp gọn quần áo, mùng mền trước khi giao lại cho khách hàng
Chị Lương Thị Kiều Thúy (bên phải) cùng nhân viên gấp gọn quần áo, mùng mền trước khi giao lại cho khách hàng
Đưa chính sách đến với NKT
Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, Đồng Nai hiện có trên 50 ngàn người khuyết tật. Trong số này, 32,2 ngàn người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng và hộ gia đình chăm sóc đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng của Nhà nước. Số người khuyết tật nhẹ là khoảng 18 ngàn người.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu, căn cứ Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, người khuyết tật có mức trợ cấp thấp nhất là 600 ngàn đồng/tháng và cao nhất là 1 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm ngân sách tỉnh chi trợ cấp cho người khuyết tật khoảng 150-180 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cùng 13 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được tỉnh cấp giấy phép hoạt động đang chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ ăn ở, tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho gần 1,3 ngàn trường hợp. Trong số này có 146 trường hợp là người khuyết tật.
Riêng tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (Sở GD-ĐT, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đang thực hiện giáo dục cho 210 học sinh khuyết tật.
Ngoài ra, nhiều chương trình trợ giúp vốn dành cho NKT tự tạo việc làm cũng đang phát huy tác dụng. Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Mai Văn Nhỏ, thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân chất độc da cam phát huy năng khiếu, khả năng lao động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố còn huy động nhiều nguồn lực để tặng dụng cụ hỗ trợ vận động, vốn vay cho từng trường hợp.
Trong đó, mỗi hội cấp xã còn cho từ 3-5 nạn nhân chất độc da cam vay vốn để tự tạo việc làm với số tiền từ 2-20 triệu đồng/trường hợp. Riêng năm 2023, Sở LĐ-TBXH, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT đã trao vốn cho 81 gia đình có NKT, nạn nhân chất độc da cam với tổng số vốn hơn 1,2 tỷ đồng. Thời gian qua, số vốn được nạn nhân chất độc da cam sử dụng có hiệu quả và hoàn trả đúng thời hạn cho đơn vị quản lý.

Học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được dạy ngôn ngữ dành cho người câm điếc
Học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được dạy ngôn ngữ dành cho người câm điếc
Trao cơ hội việc làm cho NKT
Cùng với đó, việc gắn kết, huy động nguồn lực cộng đồng chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật cũng tích cực được thực hiện.
Hiện nhiều CLB, hội nhóm cũng tích cực trợ giúp NKT có việc làm. Như CLB Hỗ trợ NKT vươn lên thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai là địa chỉ quen thuộc trợ giúp vốn cho NKT tự tạo việc làm. Mỗi năm, CLB đều tổ chức lễ trao vốn hỗ trợ NKT theo hình thức hoàn lại và không hoàn lại.
Còn CLB Người khuyết tật H.Long Thành là nơi bảo lãnh để NKT lấy vé số bán trước, trả tiền vốn sau; tiếp nhận quà tặng là thực phẩm, dụng cụ hỗ trợ để phân bổ cho từng NKT.
Riêng ở TP.Biên Hòa có 2 cơ sở giặt ủi mà hầu hết người lao động là NKT; trong đó tiệm giặt ủi Sáng (ở P.Hố Nai) hiện là nơi làm việc của 4 người điếc đến từ các địa phương trong tỉnh.
Chị Lương Thị Kiều Thúy bị khiếm thính và là người sáng lập mô hình làm việc dành cho NKT này cho hay, môi trường làm việc ở tiệm giặt ủi Sáng tạo cho mỗi người sự tự tin vì được sống, làm việc với cộng đồng nhỏ sử dụng ngôn ngữ giống mình. Thêm vào đó, khi được tiếp xúc với khách hàng, NKT được hòa nhập với xã hội thay vì hạn chế giao tiếp với xung quanh như trước đây. Thu nhập mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/người, ngoài ra còn có chế độ thưởng vào các dịp lễ, Tết đã giúp cho NKT cảm thấy mình có ích với gia đình hơn.
Hay ở quán cà phê Khuyết (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom), tất cả 5 lao động làm việc ở đây là NKT. Ông Đinh Văn Tâm, bị khuyết tật chân và hiện là quản lý quán cà phê cho biết, thông qua sự trợ giúp của một người bạn, ông cùng những NKT khác có địa điểm để mở quán cà phê. Rồi bạn ông lo toàn bộ kinh phí ban đầu cho quán, không lấy tiền thuê đất. Những NKT trong nhóm tự mua sắm nguyên liệu cần thiết, phân chia công việc cho nhau để bán hàng. Lợi nhuận được tính toán để trả công lao động cùng những phát sinh khác.