(CTT-Đồng Nai) - Có rất nhiều thuận lợi, tiện ích khi sử dụng hình thức gửi tiết kiệm online. Tuy nhiên, đi cùng với sự tiện lợi còn là nguy cơ bị rút mất tiền bằng những thủ đoạn tinh vi - nếu chủ tài khoản không cẩn thận khi thực hiện các giao dịch với tiền gửi online.

Gửi tiền tiết kiệm online có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, người gửi nên thận trọng khi truy cập các đường link lạ để tránh bị mất tiền oan
Gửi tiền tiết kiệm online có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, người gửi nên thận trọng khi truy cập các đường link lạ để tránh bị mất tiền oan
Bị mất hết tiền gửi online vì đăng nhập vào đường link giả mạo
Không phải trực tiếp đến ngân hàng, thao tác đơn giản, có thể thực hiện các giao dịch tài chính như: gửi tiết kiệm, tất toán, tái tục, kiểm tra thông tin tiền gửi, dư nợ, lãi suất tiền gửi ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào và đặc biệt là lãi suất cao hơn gửi nhận sổ… đó là những tiện ích khi gửi tiết kiệm online.
Phương thức này đang được các ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, đã có những vụ tài khoản tiết kiệm online của người gửi bỗng dưng bị “bốc hơi” do đăng nhập vào đường link giả mạo trang web của ngân hàng hoặc để lộ lọt thông tin khi làm theo hướng dẫn của đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên nhà mạng.
Đầu tháng 2-2023, chị N.L.H. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đến một ngân hàng gần nhà để gửi tiết kiệm 50 triệu đồng. Tại đây, chị được nhân viên ngân hàng khuyến khích gửi tiết kiệm online để được lãi suất cao hơn. Sau kỳ hạn 3 tháng, chị H. đến ngân hàng lấy lãi thì được nhân viên thông báo, sổ tiết kiệm của chị đã tất toán. Tiền đã chuyển sang một tài khoản ở một ngân hàng khác vào ngày 17-5.
Lúc này chị H. mới tá hỏa và nhớ lại vào lúc 9 giờ ngày 17-5 chị nhận tin nhắn kèm đường link gửi đến yêu cầu chị đổi mật khẩu để tài khoản được bảo mật hơn. Vì thấy đúng tên, logo ngân hàng gửi tiền nên chị đã làm theo, bấm vào đường dẫn rồi nhập mật khẩu mới theo yêu cầu của tin nhắn. Chỉ ít phút sau, chị tiếp tục nhận được tin nhắn “Chúc mừng quý khách đã đổi mật khẩu thành công”. Do ít khi giao dịch tài chính, chị không đăng ký dịch vụ báo tin nhắn thông báo dư nợ, nên không biết tài khoản của mình đã tất toán và tiền đã chuyển sang một tài khoản ở ngân hàng khác ngay lúc đó.
Trước đó, tại TP.HCM, cuối tháng 11-2022, một khách hàng ở Q.3 đã choáng váng khi phát hiện tài khoản tiết kiệm online 2,1 tỷ đồng gửi tại một ngân hàng ở Q.1 bỗng dưng… “bốc hơi”. Xác minh ban đầu từ ngân hàng này cho thấy, kẻ gian gọi điện cho khách hàng tự xưng là nhân viên nhà mạng đề nghị hỗ trợ nâng cấp sim cho khách hàng. Sau đó khách hàng (thật giả chưa xác định) kích hoạt Esim trên điện thoại, tổng đài tự động của ngân hàng nhận được cuộc gọi từ số sim này yêu cầu cấp lại tên đăng nhập Internet Banking và cấp lại mật khẩu đăng nhập mới. Ngay khi hoàn thành bước đổi mật khẩu, các sổ tiết kiệm online của khách hàng này đã bị tất toán và chuyển tiền sang các tài khoản ở những ngân hàng khác.
Về tính bảo mật khi gửi tiền online, đại diện các ngân hàng đều khẳng tính bảo mật và an toàn rất cao khi mọi giao dịch đều được chủ tài khoản thực hiện, không thể can thiệp, không thể làm giả; thông tin được mã hóa, bảo mật bởi công nghệ tiên tiến; mọi giao dịch đều được xác thực nhiều lớp… Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra một số vụ khách hàng bị mất tiền khi gửi tiết kiệm online, cho thấy nếu chỉ ngân hàng, nhà mạng bảo mật thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn là chính người dùng phải cảnh giác trong các giao dịch online.
Cận trọng khi giao dịch online
Từ những vụ tiền gửi tiết kiệm online của người gửi bị mất, ông TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thời gian qua là do người dùng đã để lộ lọt thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch online trước đó với ngân hàng hoặc qua các trang thương mại điện tử.
Do đó, theo khuyến cáo của ông Hùng, khách hàng nên cảnh giác cao độ khi thực các giao dịch online tài chính bằng việc thường xuyên kiểm tra thông tin, không truy cập các đường dẫn lạ, không vội vã thực hiện theo hướng dẫn khi nhận được điện thoại yêu cầu. Ngoài ra, cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại của mình, liên hệ tổng đài khóa sim ngay khi phát hiện thẻ sim trên máy điện thoại của mình bị vô hiệu hóa, nghi ngờ do bị chiếm đoạt quyền kiểm soát sim.
Hiện nay, để thuận lợi trong quản lý và giao dịch tài chính, nhiều người đã chọn gửi tiền tiết kiệm online và thực hiện đúng theo quy định của ngân hàng nên mọi giao dịch vẫn rất an toàn.
Anh Trần Văn Trọng (ngụ P. An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, do thường phải giao dịch tài chính nên anh không thể gửi tiết kiệm nhận sổ. Mà tiền để trong tài khoản bình thường gần như không có lãi, giờ anh gửi tiết kiệm online lại được lãi suất và lãi suất cao hơn cả gửi sổ và việc thực hiện giao dịch lại rất thuận lợi. “Chỉ cần mình thực hiện đúng theo quy định của ngân hàng, không táy máy làm theo yêu cầu của người lạ hoặc đường link lạ, thì có thể yên tâm với hình thức gửi online này” - anh Trọng nói.