Cần những giải pháp mạnh để xử lý chó, mèo thả rông

Thứ ba - 14/03/2023 20:20
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Hiện nay, nhiều nơi không áp dụng các quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ chó nuôi dẫn đến nhiều vụ chó thả rông ngoài đường gây tai nạn cho người tham gia giao thông, cắn gây thương tích, lây truyền bệnh dại …

Cần những giải pháp mạnh để xử lý chó, mèo thả rông.jpg?t=1752456061
Cần những giải pháp mạnh để xử lý chó, mèo thả rông - Chó thả rông trong khu dân cư ở KP.7 (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa)
Cần những giải pháp mạnh để xử lý chó, mèo thả rông - Chó thả rông trong khu dân cư ở KP.7 (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa)

Pháp luật quy định rõ về nuôi chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, phòng ngừa bệnh dại trên địa bàn khu dân cư. Vì vậy, cần phải thực hiện những biện pháp quản lý mạnh để xử lý chó mèo thả rông là kiến nghị của một số chuyên gia, nhà quản lý, người dân về vấn đề này.

Còn chủ quan, lơ là trong quản lý chó, mèo

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): Pháp luật hiện hành quy định rất rõ về trách nhiệm đối với chủ nuôi chó mèo (quy định tại Mục 2, Phụ lục 15, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn). Tuy nhiên, phương thức nuôi chó, mèo thả rông đang diễn ra tràn lan. Nhiều chủ nuôi chưa có ý thức việc phải đăng ký nuôi chó theo quy định, phải nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm, tiêm phòng cho chó, mèo… dẫn đến tình trạng vi phạm quy định là khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân, do ý thức chấp hành của người dân chưa cao và cơ quan chức năng chưa mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

Chủ nuôi cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến việc nuôi chó, mèo và cơ quan chức năng cần gia tăng các biện pháp quản lý sẽ góp phần ngăn chặn các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Bởi tai nạn khi xảy ra ngoài những tổn thất gây ra cho nạn nhân thì mức phạt đối với các chủ nuôi cũng không nhẹ.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù (theo Điều 128). Trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người gây thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người với mức phạt là phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm (theo Điều 295). Nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích từ 31% trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo Điều 138).

Ông Lương Hải Phong, Phó phòng Phòng chống bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết, để phòng, chống bệnh dại, Luật Thú y năm 2015 đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi (tại Thông tư 07 ngày 31-5-2016 của Bộ NN-PTNT). Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn một số hộ nuôi chưa ý thức được rằng, khi nuôi chó thì phải khai báo với chính quyền địa phương cũng như thực hiện các quy định liên quan khác như: xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo… Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm nêu trên khó triển khai vì một số nội dung quy định chưa chi tiết.

Vì vậy, theo ông Phong, chính quyền cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên báo chí, bản tin công cộng tại nơi đông người, các điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân, xe tuyên truyền lưu động, kết hợp treo băng rôn, phát tờ rơi, truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại để người dân hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định về nuôi chó, mèo. Đồng thời, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn theo quy định.

Sớm thành lập các đội bắt chó, mèo thả rông

Cuối tháng 12-2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, UBND tỉnh có chủ trương về việc cho thành lập các đội bắt chó, mèo thả rông tại cấp huyện. Chủ trương này rất cần thiết vì chó, mèo khi được thả rông ra ngoài đường, không rọ mõm gây nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Rất mong mô hình tổ bắt chó, mèo thả rông được triển khai thực hiện. Hiện nay, không chỉ ở các huyện mà ngay cả ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh vẫn có nhiều hộ gia đình nuôi chó thả rông ngoài đường không có người chăn dắt, không có dây xích, không đeo rọ mõm… tạo mối nguy hiểm cho khu dân cư. Chó, mèo thả rông ra ngoài không chỉ phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, cắn người lây bệnh dại, sợ nhất là chó bất ngờ lao ra đường, va vào các xe đang lưu thông trên đường gây tai nạn. Đã có không ít trường hợp người lái xe tông phải chó thả rông bị thương vong.

Đã đến lúc nên thành lập đội bắt chó, mèo thả rông hoạt động một cách chuyên nghiệp. Nghĩa là phải có quy chế hoạt động cụ thể, quá trình triển khai hoạt động phải có kế hoạch rõ ràng. Cần công bố số điện thoại rộng rãi cho người dân biết để tiện liên hệ báo khi thấy khu vực nào có chó, mèo thả rông ngoài đường. Đặc biệt, các thành viên của đội nên có đồng phục để người dân nhận diện nhằm tránh trường hợp các đối tượng giả danh đội để thực hiện bắt chó với ý đồ xấu.

Khi đề cập đến việc xử phạt các chủ nuôi không chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến nuôi chó, mèo, các địa phương cho rằng, thiếu nhân lực để thực hiện việc này. Nên chăng tăng cường chức năng cho đội bắt chó, mèo trong việc phối hợp phát hiện và tiến hành xử phạt hành chính “nóng” các chủ vật nuôi không chấp hành các quy định liên quan trong lĩnh vực thú y.

Ngoài xử phạt nghiêm các vi phạm, cơ quan chức năng nên đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý vật nuôi như: phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp chủ nuôi vi phạm các quy định hiện hành.

Tác giả: Nhật Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây