Cần nhiều thay đổi trong công tác hướng nghiệp

Thứ ba - 03/11/2020 15:28
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Hoạt động hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần phải được khắc phục.
z2155104607885_77feb5a006405416dfe81910795b0dfd.jpg
Lớp trung cấp nghề Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai trong giờ học
Cần có môi trường để khám phá
Từ những năm 1985-1990, vấn đề tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS đã được đặt ra. Thời điểm đó, đại bộ phận người dân cũng đã có tâm lý “sính” học đại học mà ít chú ý đến học nghề. Những năm gần đây, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS ngày càng được chú trọng.
Tháng 5-2018, Thủ tướng ký quyết định phê quyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Trong đó đặt ra những mục tiêu rất cụ thể về công tác hướng nghiệp, phân luồng. hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS đã có nhiều bước tiên song vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Theo TS. Lê Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh - EBM (TP.HCM), việc phân luồng được thực hiện sau THCS là đúng nhưng công tác hướng nghiệp cần phải thực hiện sớm hơn và là bước chuẩn bị để thực hiện phân luồng học sinh sau THCS. Theo ông, công tác hướng nghiệp trước hết phải giúp cho học sinh trả lời được câu hỏi: mình là ai, mình muốn gì, mình có kỹ năng gì…
Muốn trả lời được những câu hỏi đó, trẻ cần có môi trường để có thể khám phá bản thân; được hỗ trợ để phát triển các kỹ năng, năng khiếu... Để giúp trẻ nhận diện tốt hơn bản thân mình, chúng ta cần phải có được một công cụ để hỗ trợ. Công cụ đó chính là các bộ câu hỏi trắc nghiệm, chẳng hạn như bộ câu hỏi trắc nghiệm nghề nghiệp Holland.
Hiện nay công tác hướng nghiệp chủ yếu là hoạt động nhằm trả lời cho câu hỏi “em muốn gì” mà quên mất hai câu hỏi quan trọng khác là “em có khả năng gì” và “xã hội cần gì trong tương lai”.
Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh tham gia học nghề sau THCS. Tuy vậy, nhiều em không kham nổi việc vừa học văn hóa vừa học nghề nên đã bỏ học giữa chừng. Điều đó cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS có bước tiến nhưng chưa vững chắc.
TS. Lê Hồng Minh cho rằng cần phải giải quyết vấn đề này từ góc độ tâm lý. Hiện nay, nhận thức chung trong xã hội vẫn là những em học yếu không thể vào các trường THPT thì mới vào học trường nghề. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các học sinh tham gia học nghề sau THCS.
“Chính ý nghĩ tự cho rằng mình kém cỏi hơn bạn bè cùng trang lứa đã khiến các em trở nên mặc cảm, tự ti. Đa số các em vào học nghề sau phân luồng THCS đều học cả chương trình văn hóa hệ giáo dục thường xuyên để cố gắng lấy được cái bằng THPT nhằm xóa đi nỗi mặc cảm đó. Vậy chúng ta nên nhận thức lại rằng, không phải chỉ học yếu mới vào trường nghề và không phải ai vào trường nghề cũng học yếu. Các em vào học trường nghề vì các em phù hợp với ngành nghề đó, các em có những kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề mình đã chọn mà không bị giới hạn về trình độ văn hóa”, TS.Minh chia sẻ.
Theo ông, nếu xóa bỏ được mặc cảm tâm lý này, học sinh sẽ tự tin lựa chọn học nghề theo phân luồng THCS hơn. Những em đang học trường nghề mà học cả chương trình GDTX nếu không kham nổi chương trình học văn hóa thì chỉ cần tập trung học tốt chương trình nghề là được.
Cần làm tốt công tác tư vấn học đường
Công tác tư vấn hướng nghiệp ở bậc THCS là rất quan trọng. Hoạt động này nên thực hiện ngay từ khi các em học lớp 6, lớp 7 chứ không phải đợi khi lên lớp 9 mới làm.
Một điều rất quan trọng là công tác tư vấn hướng nghiệp phải được thực hiện đồng thời với hoạt động tư vấn học đường và là một nội dung của hoạt động này. Tư vấn học đường bao gồm các hoạt động: hướng dẫn, tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tâm lý.
Hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường không chỉ nhằm cung cấp thông tin nghề nghiệp mà còn phải bao gồm cả hoạt động chẩn đoán “tâm lý nghề nghiệp”, hướng dẫn từng cá nhân học sinh khả năng tự định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với tố chất và hoàn cảnh sống của các em.  
Người làm công tác hướng nghiệp cần làm việc trực tiếp và theo dõi khả năng, diễn biến tâm lý, hứng thú nghề nghiệp trong học tập của học sinh. Họ phải là người lắng nghe, quan sát, thấu hiểu học sinh, giúp học sinh nhận biết về chính bản thân mình, giúp các em biết mình phù hợp với ngành nghề nào để có thể tự lựa chọn…
Hiện nay, hầu hết các trường học đều không có giáo viên phụ trách vị trí công việc này, hoặc nếu có thì không được đào tạo bài bản. “Như vậy, muốn giải quyết căn cơ vấn đề tư vấn hướng nghiệp thì chúng ta cần phải bắt đầu từ công tác đào tạo giáo viên. Theo đó, giáo viên được giao vị trí công việc này phải là người được đào tạo chuẩn, bài bản về công tác tư vấn học đường, trong đó có 2 nội dung quan trọng là tư vấn tâm lý và tư vấn hướng nghiệp”, TS. Lê Hồng Minh cho hay.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây