Tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 50 cơ sở sản xuất vẫn xả trực tiếp nước thải ra môi trường mà không thông qua hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dù phần lớn các cơ sở này đều có Giấy phép xả thải và hệ thống xử lý riêng, tuy nhiên việc xả thải trực tiếp vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
51 cơ sở vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trên địa bàn tỉnh hiện có 31 KCN đã đi vào hoạt động thu hút 1.239 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tổng lượng nước thải phát sinh tại các KCN đã có dự án đi vào hoạt động là hơn 113.000m3/ngày. Hiện phần lớn các cơ sở đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của các công ty kinh doanh hạ tầng tại các KCN. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn 51 cơ sở sản xuất tại các KCN chưa thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà tự xả thải trực tiếp ra môi trường.
51 cơ sở này đang tự xử lý nước thải qua hệ thống xử lý nước thải riêng theo quy định. Trong số này có 38 cơ sở xả thải theo Giấy phép xả thải do cơ quan có thẩm quyền cấp với lưu lượng hơn 31.500m3/ngày và 13 cơ sở nước thải phát sinh ít tự xử lý và xả thải (trung bình mỗi cơ sở phát sinh khoảng 6m3/ngày).
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, nguyên nhân chính khiến còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN là do gặp khó khăn trong công tác bồi thường đất để xây dựng tuyến dẫn thu gom nước thải. Tiêu biểu như ở các KCN: Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch); Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); Bàu Xéo (huyện Trảng Bom).
Phần lớn lượng nước thải của các cơ sở sản xuất tại KCN Biên Hòa 1 hiện được các doanh nghiệp tự xử lý và xả thải trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó là nguyên nhân có tính lịch sử. Cụ thể, trước đây do nhiều nhà máy xây dựng trước khi hình thành các KCN. Do đó, các nhà máy này được cấp phép xả thải trực tiếp ra môi trường thông qua hệ thống xử lý nước thải riêng của mình. KCN Biên Hòa 1 là minh chứng cho thực trạng này. Tại KCN này, hiện đang có hơn 80 doanh nghiệp thuê đất. Mỗi ngày, các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 xả hơn 9.000m3 nước thải nhưng chỉ có khoảng 1.000m3 được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Biên Hòa 2 để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay phương án xây dựng tuyến ống gom nước thải tại đây lại không khả thi vì KCN Biên Hòa 1 đang chờ được di dời.
Cần lộ trình chấm dứt xả thải trực tiếp
Phó Trưởng ban quản lý các KCN Đồng Nai Lê Văn Danh cho rằng, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh ngày càng tốt hơn, đặc biệt là trong công tác quản lý về nước thải. Hiện nay, 100% KCN có dự án hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung. “Đây là chốt chặn quan trọng thứ nhất để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước thải”, ông Danh cho hay.
Cũng theo ông Danh, Đồng Nai còn là địa phương đi đầu cả nước trong việc lắp đặt các hệ thống quan trắc nước thải tự động để hình thành chốt chặn thứ 2 trong việc giám sát chất lượng nước thải của các cơ sở sản xuất tại các KCN ra môi trường. Hiệu quả của các bước giám sát này được thể hiện bằng việc trong những năm gần đây, trên địa bàn Đồng Nai không còn xảy ra các sự cố môi trường về nước thải công nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Danh, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện việc đấu nối, lắp đặt hệ thống quan trắc đối với các doanh nghiệp còn xả thải trực tiếp hiện nay và nên có lộ trình để dần hạn chế các đơn vị xả thải trực tiếp ra môi trường. “Trước đây, do yếu tố lịch sử, doanh nghiệp hình thành trước nên được cấp phép xả thải trực tiếp, nhưng bây giờ có KCN rồi thì phải có lộ trình chấm dứt xả thải trực tiếp. Có lộ trình như thế thì các công ty hạ tầng mới có điều kiện xây dựng, nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải tập trung, hình thành nên chốt chặn đầu tiên kiểm soát chất lượng nước thải. Có như thế công tác bảo vệ môi trường về nước thải sẽ tốt hơn”, ông Danh đề nghị.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho hay, nếu xét về công suất, hiện các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN “dư sức” tiếp nhận và xử lý toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là khó khăn trong công tác xây dựng tuyến ống thu gom, đấu nối. Do đó, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn này.
Theo đó, hiện Sở TN-MT đang phối hợp với các công ty kinh doanh hạ tầng KCN để đấu nối các cơ sở vào hệ thống xử lý nước thải tập trung gồm: 5 cơ sở thuộc KCN Ông Kèo, 6 cơ sở thuộc KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và 2 cơ sở thuộc KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom).
Cũng theo ông Đức, đối với các cơ sở vẫn tiến hành xả thải trực tiếp theo giấy phép, hiện Sở TN- MT cũng đang tiến hành kiểm kê số lượng nguồn thải để yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Theo đó, trước đây, chỉ các cơ sở có lượng xả thải từ 500m3/ngày đêm trở lên mới phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động thì sắp tới “chỉ tiêu” này sẽ tiếp tục được hạ thấp. “Các cơ sở có lượng xả thải từ 200m3/ngày đêm trở lên cũng sẽ phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động”, ông Đức cho hay.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động
Theo Sở TN-MT, hiện các KCN trên địa bàn tỉnh có 17/17 doanh nghiệp có lượng nước thải trên 1.000m3/ngày đêm được cấp phép xả thải trực tiếp ra môi trường đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở. Đối với các cơ sở có lượng xả thải từ 500m3 - 1.000m3/ngày đêm, việc triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động phải hoàn thành trong năm 2019. Đối với các cơ sở có lượng xả thải từ 200m3 đến 500m3/ngày đêm, việc triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động phải hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2025.
Phạm Tùng
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập