Cần làm gì khi bị rắn cắn?

Thứ sáu - 30/12/2022 09:04
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một trường hợp bị rắn cắn. Đây là tai nạn thường gặp nhưng người dân cần biết cách xử trí để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh nhân bị rắn cắn ở chân
Bệnh nhân bị rắn cắn ở chân

Bất ngờ bị rắn cắn trong bếp.

Bệnh nhân là em N.P.N.N., 11 tuổi, ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu, nhập viện trưa ngày 16-12 trong tình trạng bị rắn cắn không rõ loại rắn gì.

BS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, vết cắn ở mu bàn chân bên phải của bệnh nhân sưng đau, được xử trí theo trường hợp rắn cắn, được truyền huyết thanh để trung hòa độc tố của rắn. Do các bác sĩ không biết rõ loại rắn cắn bệnh nhân là rắn gì nên việc truyền huyết thanh hy vọng có đáp ứng.

Sau truyền 2 liều huyết thanh, chân bệnh nhân có dấu hiệu sưng to, chèn ép quang, hoại tử, được chỉ định mổ để cắt lọc chỗ hoại tử và giải áp chỗ bị chèn ép quang. Hiện tại, chân bệnh nhân không còn sưng nhưng vết rạch hoại tử cần phải chăm sóc kỹ vì có nguy cơ nhiễm trùng. Tùy vào tổng trạng, dinh dưỡng, chăm sóc, khoảng 2 tuần - 1 tháng sau, bệnh nhân mới có thể được xuất viện.

Chị Phạm Thị Lan Hương, mẹ bé cho biết, khi gia đình đang chuẩn bị ăn trưa thì bé xuống bếp để dọn cơm. Bất ngờ có một con rắn màu xanh bò từ ngoài vào bếp và cắn vào chân bé. Gia đình quýnh quá không biết làm gì, chỉ biết lấy dây thun buộc chặt phần cổ chân để nọc độc không chạy lên trên, sau đó đưa bé đến bệnh viện. Vết cắn có 2 lỗ to, máu phun ra nhiều. Chị Hương cho hay, ở xung quanh nhà chị không quá rậm rạp nhưng nhà bên cạnh nuôi nhiều gà, vịt, có ao, trồng nhiều cây nên khả năng rắn từ bên nhà hàng xóm bò sang nhà chị để đi tìm thức ăn.

Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm
Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm

Xử trí khi bị rắn cắn

BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, mỗi loại rắn cắn có đặc điểm khác nhau. Rắn độc thường cắn người rồi nhả ra ngay. Ở Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó rắn độc khoảng 32 loài (chiếm 25%). Rắn độc có 2 họ, đó là rắn hổ và rắn lục.

Khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân thường đau dữ dội và thường để lại dấu vết của răng (móc độc). Nếu bị rắn hổ mang cắn, tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay.

Rắn hổ chúa cắn nạn nhân rất đau, có phù nề tại chỗ cắn rất dữ dội nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi. Bị rắn cạp nia (rắn khúc đen, khúc trắng) cắn thì sụp mi mắt, giãn đồng tử, khó nói, khó thở, liệt hô hấp và liệt chi…

Rắn lục cắn, vết cắn bị chảy máu, sưng tấy nhanh, xuất huyết dưới da, chảy máu và có thể xuất huyết não, phù nề, gây rối loạn đông máu và hoại tử, kèm theo chóng mặt, lo lắng, sốc, suy thận cấp do tiêu cơ vân... Rắn biển cắn có các triệu chứng liệt như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia, bệnh nhân bị liệt cơ, tan máu...

Thành phần nọc độc của rắn là các protein dễ gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong cho nạn nhân. Nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do xuất huyết nặng, suy thận.

Nếu bị rắn độc cắn, cần sơ cứu ngay cho bệnh nhân trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Cần sơ cứu nhanh nhất để làm chậm sự hấp thu của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn, giúp nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc. Không nên ga-rô (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép vì độc tố của rắn chỉ theo đường tĩnh mạch và bạch mạch. Cần nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân liệt thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo… Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.

Các bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không được dùng bài thuốc dân gian. Tuyệt đối không được nặn, trích, rạch, châm, chọc hút nọc độc và chườm đá hoặc đốt, là nóng vết cắn… Tất cả đều vô tác dụng, sẽ làm mất “thời điểm vàng” để cấp cứu kịp thời.

Bởi nếu bệnh nhân bị rắn thường cắn, chỉ cần theo dõi mấy tiếng là có thể cho về. “Thời gian vàng” khi bị rắn lục cắn là 6 tiếng và rắn hổ là 12 - 24 giờ sau khi bị cắn, nếu không cấp cứu kịp thời rất có khả năng sẽ bị hoại tử.

Do đó, khi bị rắn độc cắn, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khám nhanh và hồi sức tích cực, chú ý hồi sức tim mạch, làm các xét nghiệm cần thiết. Đặc biệt, cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể phải thở máy cả tháng, tốn kém hàng trăm triệu đồng. Nếu vết cắn bị hoại tử thì phải cắt lọc hoàn toàn, ghép da, dùng thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng để chống nhiễm khuẩn.

Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây