Cần điều chỉnh việc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế

Thứ hai - 30/01/2023 10:28
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh kiến nghị lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo cụ thể để việc phân bổ thẻ BHYT cho các bệnh viện công lập để phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, đảm bảo công tác hoạt động cũng như chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bệnh nhân chờ đợi lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân chờ đợi lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

Chưa có sự thống nhất giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, căn cứ vào Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, cuối tháng 12-2022, Sở Y tế xây dựng định mức và dự kiến phân bổ hơn 2,8 triệu thẻ BHYT cho 233 cơ sở đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh và gửi BHXH tỉnh. Tuy nhiên sau đó, Sở Y tế nhận được văn bản của BHXH tỉnh cung cấp số lượng thẻ khám chữa bệnh BHYT ban đầu phân bổ theo thực tế.

Cụ thể, BHXH tỉnh đã phân bổ hơn 2,5 triệu thẻ BHYT cho 233 cơ sở nhưng số lượng thẻ phân bổ cho các đơn vị không thống nhất với số lượng dự kiến mà Sở Y tế đã đề xuất.

Cụ thể, với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Sở Y tế dự kiến phân bổ hơn 145,4 ngàn thẻ nhưng chỉ được phân bổ hơn 75,5 ngàn thẻ; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất dự kiến phân bổ hơn 124,3 ngàn thẻ, thực tế được phân bổ hơn 37,8 ngàn thẻ. Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa Đồng Khởi dự kiến phân bổ hơn 14,1 ngàn thẻ, thực tế phân bổ hơn 40,6 ngàn thẻ; Bệnh viện Đồng Nai 2 dự kiến phân bổ hơn 66,8 ngàn thẻ, thực tế phân bổ hơn 73 ngàn thẻ; Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành dự kiến phân bổ hơn 47,2 ngàn thẻ, thực tế phân bổ hơn 80,4 ngàn thẻ; Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa Long Thành dự kiến phân bổ hơn 26,9 ngàn thẻ, thực tế phân bổ hơn 56,6 ngàn thẻ…

TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, mỗi năm, Sở Y tế phân bổ chỉ tiêu cho bệnh viện khám cho 800 ngàn lượt bệnh nhân nhưng bệnh viện lại chỉ được phân bổ hơn 37,8 ngàn thẻ BHYT. Mặc dù là 1 trong 2 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, nhân lực lên đến 1,3 ngàn người (riêng bác sĩ làm việc toàn thời gian là 245 người), chuyên khoa gì cũng có, tổng số bàn khám là hơn 19,2 ngàn bàn (chỉ kém Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai gần 4 ngàn bàn khám) nhưng số thẻ BHYT được phân bổ lại chỉ bằng ½ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

BS Dũng bày tỏ băn khoăn, có một số phòng khám đa khoa tư nhân có rất ít bác sĩ làm việc toàn thời gian, số bàn khám ngày thường, ngày cuối tuần, trong năm kém xa Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nhưng lại được phân bổ thẻ BHYT nhiều hơn Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Để đạt được chỉ tiêu khám 800 ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm, bệnh viện phải đi khám ở bên ngoài rồi cộng vào tổng lượt khám. Là đơn vị tự chủ chi thường xuyên nhưng có rất ít bệnh nhân khiến nguồn thu của bệnh viện giảm sút. Các bác sĩ không có bệnh nhân hoặc có rất ít bệnh nhân để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn dẫn đến chán nản, cộng với thu nhập thấp nên nhiều người đã nghỉ việc.

“Việc phân bổ thẻ BHYT chưa hợp lý khiến bệnh viện gặp ít nhiều khó khăn trong hoạt động. Những năm trước, bệnh viện được phân bổ 112 ngàn thẻ nhưng đến năm 2022 chỉ còn hơn 37 ngàn thẻ, đấu tranh mãi mới được 40 ngàn thẻ. Chúng tôi không biết lý do tại sao dẫn đến tình trạng này. Giờ đây bệnh viện có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị máy móc, thực hiện được nhiều kỹ thuật cao nhưng lại có rất ít thẻ BHYT. Chúng tôi kiến nghị cần tháo gỡ bất cập này để các cơ sở y tế công lập tận dụng tối đa nguồn lực của nhà nước đã đầu tư cho bệnh viện. Qua đó, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân” - BS Dũng nói.

Bệnh nhân khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa Biên Hòa
Bệnh nhân khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa Biên Hòa

Sẽ điều chỉnh cho hợp lý hơn

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy lý giải, BHXH tỉnh dựa vào Thông tư số 40 của Bộ Y tế để phân bổ thẻ BHYT cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Những đối tượng nào được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở tuyến tỉnh thì mới được đăng ký ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trên thực tế, 40 ngàn thẻ đã phân bổ cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng chưa đúng theo đối tượng theo quy định tại Thông tư 40 (số thẻ đã phân bổ nhiều hơn so với số đối tượng theo quy định). Do vậy, muốn thay đổi số lượng thẻ BHYT thì phải sửa đổi từ Thông tư số 40 của Bộ Y tế.

Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung thừa nhận có sự bất cập trong việc phân bổ thẻ BHYT hiện nay.

Cụ thể, hàng năm, Sở Y tế và BHXH tỉnh đều ngồi lại để tính số thẻ BHYT cho các cơ sở y tế dựa trên năng lực tiếp nhận thẻ đăng ký khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở. Công thức tính như sau: số thẻ phân bổ = (số thẻ trung bình theo bàn khám x số bàn khám thực tế tính theo ngày hoạt động trong năm) + (số thẻ trung bình theo giường bệnh x số giường bệnh kế hoạch tính theo ngày hoạt động trong năm). Sau đó, dựa vào Thông tư 40 để phân bổ thẻ BHYT cho các đơn vị.

Thông tư 40 không khuyến khích người dân đăng ký thẻ BHYT ở tuyến tỉnh vì liên quan đến chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên có “mở đường” là Sở Y tế có quyền tham gia vào việc phân bổ thẻ. Nếu phân bổ thẻ vượt quá năng lực của cơ sở y tế thì không được nên hàng năm, Sở Y tế và BHXH tỉnh quy định ngoài một số đối tượng thuộc diện được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở tuyến tỉnh thì mở rộng thêm một số đối tượng khác như: người sinh sống ở xung quanh bệnh viện, người mắc bệnh mạn tính…

“Với những vướng mắc trong công tác phân bổ thẻ BHYT, chúng tôi sẽ họp để tháo gỡ và điều chỉnh nhằm đảm bảo điều kiện thực tế của các cơ sở y tế, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phạm vi chuyên môn và chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, đảm bảo tính công bằng giữa cơ sở khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú” - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây