(CTT-Đồng Nai) - Ông Võ Văn Phước, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, Đồng Nai là địa phương đứng thứ 3 cả nước về số vụ án dân sự.

Ông Võ Văn Phước, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh
Ông Võ Văn Phước, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh
Số vụ án liên tục tăng
Năm 2023, trong số hơn 25,3 ngàn vụ, việc mà Tòa án 2 cấp đã thụ lý có hơn 20,8 ngàn vụ việc dân sự, còn lại là vụ hình sự và vụ án hành chính. Tòa án 2 cấp đã giải quyết hơn 16,3 ngàn vụ việc dân sự, còn hơn 4,5 ngàn vụ việc đang giải quyết (gần 2 ngàn vụ liên quan đến tranh chấp đất đai).
Những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án dân sự thụ lý kéo dài chưa được giải quyết gồm: Số lượng án dân sự thụ lý ngày càng tăng (năm 2023 thụ lý tăng 1.381 vụ so với năm 2022, năm 2022 thụ lý tăng 3.425 vụ so với năm 2021). Với án hình sự, Thẩm phán chỉ nghiên cứu hồ sơ và ban hành quyết định xét xử (hoặc trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nếu chưa đủ căn cứ để xét xử), còn với án dân sự, hành chính thì Thẩm phán phải triệu tập đương sự để làm việc (rất nhiều vụ án có trên 15 đương sự), yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ, thu thập tài liệu chứng cứ, xác minh tài sản tranh chấp, tiến hành đối chất, công khai chứng cứ, hòa giải (đối thoại)... nên nếu đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, các Thẩm phán sẽ không có thời gian để nghiên cứu sâu từng vụ án, dễ dẫn đến vi phạm tố tụng, gia tăng số lượng án bị hủy, sửa.
Ngoài ra, quá trình thu thập, xác minh chứng cứ cũng khó khăn. Những vụ án thụ lý kéo dài chưa được giải quyết đều là những vụ án tranh chấp về thừa kế, tranh chấp quyền sử dụng đất và liên quan đến quyền sử dụng đất. Đây là những vụ án có tính chất phức tạp, đương sự đông, ở nhiều địa phương khác nhau, tài sản tranh chấp ở nhiều nơi. Trong khi đó, những tranh chấp liên quan đến đất đai thường mất nhiều thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ do nhiều thay đổi, biến động suốt thời gian tạo lập, sử dụng tài sản. Thủ tục xác minh và ủy thác thu thập chứng cứ ở địa bàn khác cũng mất không ít thời gian. Tòa án gửi văn bản nhắc nhiều lần mới có thể nhận kết quả. Chưa kể còn có một số kết quả xác minh không đáp ứng yêu cầu nên Tòa án phải tiếp tục làm văn bản xác minh làm rõ vấn đề cần thu thập.
Không chỉ vậy, việc đo vẽ hiện trạng, vị trí cũng như thẩm định nhà đất cũng gặp khó khăn khi công tác đo vẽ, chồng ghép bản đồ chưa đồng bộ trên các địa phương, đương sự không hợp tác, cản trở. Công tác phối hợp tổ chức thẩm định, định giá tài sản (nhất là thành lập hội đồng định giá), còn chưa kịp thời, việc đo đạc xác định ranh giới, tứ cận của cơ quan chuyên môn còn có trường hợp sai sót, không chính xác.
Bên cạnh đó, sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai có giai đoạn còn có sai sót, thể hiện trong việc việc lưu trữ, quản lý hồ sơ về thửa đất không đầy đủ, tình trạng hồ sơ bị thất lạc, đứt đoạn thông tin, không cập nhật được biến động về thửa đất (nhất là việc thực hiện các giao dịch, chuyển từ đất tập đoàn, hợp tác xã sang cá nhân, hộ gia đình quản lý...). Thông tin trong hồ sơ về thửa đất thiếu, không chính xác (về kích thước, số đo, diện tích, hình thể thửa đất...), không phù hợp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhầm lẫn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh
Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu
Ông Võ Văn Phước cho hay, trong nhiều năm qua với khối lượng công việc tăng cao nhưng tình hình công chức luôn thiếu so với biên chế được phân bổ. Trước đây, mỗi Thẩm phán sẽ có 1 thư ký giúp việc để thực hiện các công việc tố tụng, tuy nhiên do thiếu thư ký nên 1 thư ký giúp việc từ 2-3 Thẩm phán, có đơn vị 1 thư ký giúp việc 4-5 Thẩm phán. Do vậy Thẩm phán phải tự thực hiện các công việc của thư ký, điều đó càng ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu hồ sơ của Thẩm phán.
Trong năm 2023, với số án phải giải quyết là 25,3 ngàn vụ, việc thì bình quân mỗi Thẩm phán phải giải quyết là 125 vụ/năm (chỉ tiêu của Tòa án tối cao là 84 vụ/năm), trừ các ngày nghỉ lễ, tết, mỗi Thẩm phán chỉ có 2 ngày để giải quyết 1 vụ án. Ngoài việc giải quyết án thì Thẩm phán còn phải giải quyết nhiều việc khác, gặp áp lực rất lớn về thời gian giải quyết án và cũng dễ xảy ra sai sót, nhầm lẫn.
Để giải quyết vướng mắc trong giải quyết án dân sự tồn đọng kéo dài, theo ông Phước, giải pháp căn cơ nhất là con người, không có con người thì không thể làm. Do đó, ngành Tòa án cần được bổ sung nhân sự, nhất là Thư ký. Ngoài ra, người đứng đầu sẽ thường xuyên theo dõi tiến độ, chất lượng giải quyết từng vụ việc cụ thể của các Thẩm phán; đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ, công chức liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh mới đây, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Tòa án trong việc đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án dân sự, nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký đối với từng vụ việc cụ thể.
Đề nghị ngành Tòa án sớm thống kê cụ thể, chi tiết số vụ án tồn từ 3 năm trở lên để có kế hoạch chi tiết giải quyết dứt điểm từng vụ việc.
Liên quan đến án dân sự còn tồn rất nhiều liên quan đến tranh chấp phát sinh từ cơ sở, do không hòa giải được nên người dân dắt díu nhau ra Tòa án. Người dân trông chờ vào sự phán quyết công lý của Tòa án nhưng nhiều vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Đề nghị ngành Tòa án tăng cường các biện pháp, giải pháp để giải quyết rốt ráo những hạn chế tồn tại.
Vấn đề này cũng có trách nhiệm của ngành Kiểm sát. Đề nghị Ban Pháp chế HĐND tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường giám sát việc giải quyết các vụ án dân sự kéo dài từ 3 năm trở lên của ngành Tòa án.