Trở về trạng thái “bình thường mới”, nhiều hoạt động được khởi động lại thì tình trạng lây nhiễm Covid-19 đang tăng lên, trong đó có nhiều trẻ em. Tuy phần lớn các ca ở thể nhẹ, nhưng khi nhiễm, ít nhiều cũng có những tác hại nhất định. Do đó, bảo vệ trẻ em trong môi trường sống chung với dịch Covid-19 là trách nhiệm của người lớn.
Trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine nên nhiều người
“săn” vaccine phế cầu với mong muốn con được bảo vệ khi lỡ nhiễm Covid-19. Ảnh:
Nhiều gia đình cho con đi tiêm vaccine ở Trung tâm tiêm chủng Đồng Nai
* Trẻ nhiễm Covid-19 từ người lớn
Hiện nay, trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai chỉ có người từ 18 tuổi trở lên và trẻ từ 15-17 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, còn trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn thì chưa. Do đó, trẻ em là đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Thực tế, số ca F0 là trẻ em đang gia tăng nhanh khiến nhiều gia đình lo lắng.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Đồng Nai, thuộc Sở Y tế), chỉ trong 1 tuần sau khi thực hiện “nới lỏng” giãn cách xã hội (sau ngày 8-10), đã có đến 900 trẻ em bị nhiễm Covid-19. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khi chưa “nới lỏng” giãn cách, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 3-6 trẻ nhiễm Covid-19, nhưng từ khi trở về “bình thường mới”, số ca F0 trẻ em tăng cao đột ngột với trên 30 ca/ngày. Phần lớn trẻ nhiễm Covid-19 được phát hiện khi trong nhà có người nhiễm hoặc khi trẻ được người thân đưa đi khám bệnh do thấy các triệu chứng: sốt, ho, khò khè giống như bệnh viêm đường hô hấp thông thường khác.
Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, đi lại hạn chế nên khi sinh hoạt đời thường từng bước được nới lỏng, không ít người dân đã đi lại thăm người thân mà thiếu chú ý thực hiện quy định 5K nên đã vô tình gây lây lan dịch bệnh. Như trường hợp 2 con nhỏ của chị T.T.H. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã nhiễm virus SARS-CoV-2 từ một người thân đến thăm nhà. Cháu lớn nhà chị H. thừa cân nên bệnh chuyển nặng phải điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai gần 2 tuần. Rất may, cả hai cháu đã khỏi bệnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà, phần lớn các ca trẻ F0 được phát hiện ở độ tuổi dưới 5, số ít khoảng 7-8 tuổi và hầu hết trong số này đều không có triệu chứng. Hiện công tác tiếp nhận và điều trị cho các ca trẻ F0 của bệnh viện gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất đến nhân lực phục vụ điều trị. Tuy nhiên, bệnh viện đã rất nỗ lực để điều trị cho các bệnh nhi F0, đến nay chỉ ghi nhận số ít ca F0 trẻ em suy hô hấp nặng, chủ yếu là trẻ sinh non và trẻ béo phì. Các trẻ chuyển nặng đang được điều trị tích cực.
* Người lớn đừng mang dịch về nhà
BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trẻ em dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là do chưa được tiêm ngừa vaccine, khả năng đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa phát triển đầy đủ. Phần lớn các trẻ nhiễm bệnh đều ở thể nhẹ, tuy nhiên đối với những trẻ có bệnh lý nền như: suyễn, tim bẩm sinh, bệnh tự miễn hay béo phì thì bệnh lý nền có thể trở nặng một khi nhiễm Covid-19. Đối với những trường hợp này, trẻ dễ bị chuyển nặng và khả năng để lại di chứng kéo dài, dẫn đến xuất hiện các vấn đề như: viêm cơ tim, sương mù não, nhức đầu, mệt mỏi và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Do đó, giữ gìn để các trẻ không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Theo khuyến cáo của BS Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai), cha mẹ cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Khi ra ngoài về nhà phải thay đồ, vệ sinh thân thể trước khi tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
“Khi cho trẻ ra đường, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế đến nơi đông người, hạn chế đưa tay lên mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Cha mẹ, người chăm trẻ cũng có thể hướng dẫn các em súc miệng nước muối mỗi ngày 2 lần” - BS Hồng khuyến cáo.
Hạ Di
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập