(CTT-Đồng Nai) - Thời tiết năm nay thuận lợi cho cây ươi ra hoa, kết trái nhiều. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng vì tình trạng người dân lén lút vào rừng thu hái trái ươi, khó kiểm soát.

Lực lượng của Trạm kiểm lâm Đa Kinde làm nhiệm vụ tuần tra tại khu vực rừng có nhiều cây ươi đang giai đoạn ra hoa, kết trái
Lực lượng của Trạm kiểm lâm Đa Kinde làm nhiệm vụ tuần tra tại khu vực rừng có nhiều cây ươi đang giai đoạn ra hoa, kết trái
Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (viết tắt: Khu bảo tồn, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) đã và đang tích cực triển khai các phương án nhằm bảo vệ nghiêm ngặt cây ươi mùa ra quả.
Tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ
Theo số liệu của Khu bảo tồn, hiện số lượng ươi trên địa bàn của đơn vị quản lý hơn 7,3 ngàn cây với đường kính từ 40 cm trở lên và phân bố nhiều ở các trạm kiểm lâm: Suối Kốp, Suối Ràng, Bàu Điền, Đakinde, Bù Đăng (số lượng cây ra hoa đạt khoảng 60%). Ngoài ra, cây ươi còn phân bố ở các trạm kiểm lâm: Rang Rang, Suối Trau, Cù Đinh, Cây Gùi… nhưng số lượng cây ra hoa chưa nhiều. Hiện Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn đã chỉ đạo đến các trạm kiểm lâm trực thuộc để cùng triển khai thực hiện các phương án bảo vệ cây ươi.
Ông Hồ Thái Nguyên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Kốp cho biết, trạm hiện có 8 người và phụ trách quản lý khoảng 5 ngàn héc ta rừng. Đặc biệt, trong rừng có khoảng 1,5 ngàn cây ươi đang giai đoạn ra hoa, kết quả.
Để quản lý bảo vệ tốt cây ươi, Trạm Kiểm lâm Suối Kốp trong nhiều ngày qua đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu và chính quyền địa phương bố trí lực lượng trực thường xuyên tại chốt bảo vệ khu rừng ươi trên đường 625. Nhiệm vụ chính của lực lượng là ngăn chặn các đối tượng ra vào rừng trái phép, đồng thời tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc phòng chống cháy rừng và không được vào rừng thu hái quả ươi.
Ông Phan Huy Vĩnh, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đa Kinde cho hay, Trạm Kiểm lâm Đa Kinde là một trong những trạm thuộc vùng sâu, vùng xa của Khu bảo tồn, nằm giáp ranh với địa phận tỉnh Bình Phước với chiều dài hơn 10 km. Hiện trạm có 7 người và trực tiếp quản lý gần 6 ngàn héc ta rừng. Đặc biệt, trên địa bàn rừng của đơn vị quản lý có nhiều loại lâm sản quý, trong đó có cây ươi (khoảng 1 ngàn cây có đường kính từ 40 cm trở lên).
Những ngày qua, Trạm kiểm lâm Đa Kinde đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu thường xuyên triển khai lực lượng tuần tra, canh giữ ở những khu vực có nhiều cây ươi. Đồng thời bố trí người chốt trực ở một số điểm quan trọng trên tuyến đường 625 và dọc theo dòng sông Mã Đà giáp ranh với tỉnh Bình Phước để ngăn chặn việc người dân ra vào rừng trái phép.
Để công tác quản lý ươi được đảm bảo
Cây ươi là một trong những loài lâm sản quý hiếm mọc tự nhiên trong các khu rừng đặc dụng. Cây ươi với chu kỳ 3-4 năm mới ra hoa đậu quả một lần, thời gian kéo dài từ khoảng tháng 2-5. Hiệu quả kinh tế của quả ươi mang lại rất cao nên nhiều người dân sẵn sàng lén vào rừng tìm nhặt ươi đem bán. Do vậy, nhiệm vụ quản lý bảo vệ những khu rừng ươi của đơn vị chủ rừng vẫn còn chịu nhiều áp lực nặng nề.
Ông Trương Đình Minh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn cho biết, theo chu kỳ, mùa ươi năm nay sẽ cho ra hoa, kết quả nhiều. Cho nên, lực lượng Kiểm lâm Khu Bảo tồn phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình phân bố trọng điểm cũng như việc ra hoa đậu quả của cây ươi trên toàn bộ lâm phần do Khu bảo tồn quản lý. Qua đó sớm có các giải pháp cụ thể để việc quản lý, bảo vệ ươi được đảm bảo.
Cụ thể, Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn đã xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ cây ươi ở trên địa bàn và triển khai đến các trạm kiểm lâm trực thuộc để tăng cường kiểm tra, giám sát loài cây có giá trị kinh tế cao này. Đồng thời phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu triển khai lực lượng chốt trực ở những địa bàn có cây ươi nhằm ngăn chặn người dân ra vào rừng thu hái ươi trái phép.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân. Nội dung chủ yếu tập trung tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ cây ươi; phổ biến các quy định của pháp luật, hình thức xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp như: mang công cụ, dụng cụ vào rừng trái phép để đánh dấu cây ươi; khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép quả ươi…