​Báo chí địa phương trong bối cảnh truyền thông số phát triển

Thứ năm - 20/06/2019 09:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sự tác động của công nghệ kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến những thay đổi trong phương thức tác nghiệp, cơ cấu tổ chức hoạt động và cách thức tiếp cận công chúng báo chí, đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức mới, kỹ năng thực hành và phối hợp vận hành theo quy trình mới.

 4AA.jpg
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật tại TP.Hồ Chí Minh đầu tháng 5-2019.
Điều đó đặt ra yêu cầu cần chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn của người làm báo đáp ứng với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.
Nhận diện thách thức
Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có dân số đông, gần với trung tâm phát triển báo chí lớn là TP.Hồ Chí Minh, nên ít nhiều có những tác động trực tiếp để báo chí địa phương phải không ngừng đổi mới, nỗ lực phát triển. Báo chí ở Đồng Nai cùng với báo chí cả nước trong những năm qua đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin các vấn đề thời sự chính trị quan trọng trong nước, quốc tế và các địa phương; chú trọng tuyên truyền các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và địa phương, góp phần vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước và cách mạng...
Báo chí Đồng Nai cũng đã bám sát những vấn đề nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ quốc phòng - an ninh, đời sống văn hóa - xã hội; đổi mới, cải tiến về hình thức, nâng cao chất lượng nội dung, tích cực tìm tòi sáng tạo để tác phẩm báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của công chúng hiệu quả hơn. Đội ngũ những người làm báo ở Đồng Nai đều ý thức gìn giữ đạo đức nghề nghiệp, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng phục vụ cho lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển báo chí như hiện nay, báo chí Đồng Nai cũng như nhiều địa phương đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện để có giải pháp thúc đẩy phát triển đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực tế mặt bằng chung về kiến thức, trình độ, kỹ năng của các nhà báo địa phương và trung ương không có nhiều khoảng cách. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên báo chí địa phương còn bỡ ngỡ với cách tiếp cận và thể hiện loại hình báo chí hiện đại; chưa ứng dụng được nhiều những thành tựu công nghệ thông tin trong quá trình tác nghiệp sáng tạo tác phẩm báo chí. Nội tại các cơ quan báo chí và bản thân mỗi nhà báo công tác tại báo địa phương vẫn còn duy trì phương thức, cách tiếp cận vấn đề cũng như lối diễn đạt tác phẩm báo chí truyền thống. Một số nhà báo chưa chủ động tiếp thu, bắt kịp với phương thức báo làm báo hiện đại, dẫn tới tác phẩm báo chí thiếu sức sống, không thu hút được công chúng. Một số khác tuy có ý thức học hỏi, tiếp thu những kỹ năng, phương thức làm báo hiện đại, song lại không thể áp dụng trong quá trình tác nghiệp và trình bày tác phẩm báo chí do không phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và quy trình làm báo tại tòa soạn báo địa phương hiện nay. Điều này dẫn tới đặc điểm văn hóa, tâm lý, nhu cầu… công chúng tại địa phương chưa được khai thác, phát huy, chưa tạo nên bản sắc thông điệp, thế mạnh của báo chí địa phương.
Xu hướng phát triển báo chí theo hướng đa phương tiện, hội tụ và đa nền tảng đòi hỏi mỗi nhà báo, phóng viên đều phải ý thức nâng tầm tác phẩm báo chí của mình, hướng tới mục tiêu thích ứng với tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí. Điều này bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, định hướng phát triển và tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương. Đó là việc xác định được mục tiêu, tính tất yếu phải đổi mới để phụng sự bạn đọc tốt hơn và cũng để không bị tụt lùi trong xu thế báo chí hiện đại. Với cơ quan báo chí địa phương, ngoài việc phải có nguồn tài chính để phát triển tòa soạn, phải đầu tư phát triển nhân tố quyết định sự tồn tại của cơ quan báo chí, đó là đội ngũ nhà báo giỏi nghề, chuyên nghiệp, sáng tạo được các loại hình báo chí mới đa phương tiện. Và điều này phải xuất phát từ đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Bởi nếu không tiếp nhận được những xu hướng truyền thông mới trong thời đại công nghiệp 4.0, báo chí địa phương rất dễ bị tụt hậu trong “cuộc chơi” ngay trên sân nhà của mình.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng
Trong những năm gần đây, bên cạnh sự nỗ lực tự làm mới mình, tự đào tạo của các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Đồng Nai đã nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, Khoa Báo chí - truyền thông Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) trong việc tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngay tại Đồng Nai cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên các báo, đài địa phương của Đồng Nai cũng như một số tỉnh, thành trong khu vực. Cùng với đó là tạo điều kiện để đội ngũ này có thể tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành.
 ảnh 2.JPG
Các nhà báo tác nghiệp tại chương trình Tết Lao động diễn ra ngày 11-5 tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa).
Có thể kể đến những chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ như: làm báo đa phương tiện; ảnh báo chí; viết tin bài phát thanh hiện đại; làm báo bằng điện thoại; kỹ năng thực hiện bài phỏng vấn; viết về đề tài xây dựng Đảng; sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; kỹ năng làm longform trên báo điện tử; kỹ năng thẩm định hình ảnh video thật/giả; ...với sự tham gia hướng dẫn của các giảng viên chuyên ngành báo chí và các nhà báo giàu kinh nghiệm công tác tại các cơ quan báo chí lớn. Đây là hình thức đào tạo hiệu quả đáp ứng kịp thời quá trình đổi mới của báo chí địa phương. Thông qua các khóa đào tạo bồi dưỡng này, các phóng viên nhà báo công tác tại báo, đài địa phương được tiếp cận những kỹ năng làm báo hiện đại, thay đổi tư duy cách thể hiện tác phẩm báo chí. Từ đó có thể áp dụng vào thực tiễn, làm mới những tác phẩm báo chí, đề đạt những ý kiến với tòa soạn để có thể tiệm cận hơn với mô hình báo chí gắn với ứng dụng những thành tựu công nghệ kỹ thuật mới.
Tuy nhiên, có thực tế là đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên các báo, đài đã được tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nói trên còn chiếm số ít trong các cơ quan báo chí. Do đó trong thời gian tới, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp sẽ được Hội Nhà báo Đồng Nai quan tâm tổ chức thường xuyên với quy mô lớn hơn, dài ngày hơn. Về nội dung đào tạo, kết hợp đào tạo kỹ năng chuyên biệt đến đào tạo các kỹ năng tổ chức các tuyến bài, quản trị tòa soạn, tư duy đa phương tiện, khai thác các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Zalo… trong tổ chức sản phẩm báo chí…
Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà quá trình toàn cầu hóa diễn ra khá sâu sắc. Tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị di động kết nối internet trở nên phổ biến, nhiều mạng xã hội phát triển và trở thành công cụ thông tin, học tập, giao lưu, giải trí… trong cộng đồng. Báo chí truyền thông đã và đang thay đổi khá nhiều. Việc phát hành nội dung thông tin trên nền tảng số đang thay dần cho vật liệu giấy hay sóng điện từ. Quy trình tiếp nhận, nền tảng tiếp nhận các sản phẩm thông tin của công chúng cũng thay đổi.
Mạng xã hội không chỉ tạo ra những nền tảng cho báo chí mà còn tạo ra một hệ sinh thái truyền thông mới, một thế lực mới thách thức báo chí chính thống. Thực tiễn báo chí cũng chứng minh rằng: Phương thức phát hành và cách thức tổ chức sản xuất nội dung phù hợp và có giá trị độc lập mới là điều cốt lõi quyết định sự tồn tại của những thương hiệu báo chí hiện nay. Mặt khác, báo chí chính thống phải biết sống chung, phải biết làm đối tác với mạng xã hội trong sân chơi truyền thông cực kỳ sôi động hôm nay mới có thể tránh được nguy cơ bị loại.
Trong bối cảnh phức tạp của truyền thông hiện nay (nhất là vấn nạn thông tin giả, thông tin xuyên tạc, chống phá…), vai trò của báo chí chính thống có phát huy tốt hay không là ở việc đào tạo, bồi dưỡng lại các kỹ năng mới cho nhà báo, cho các tòa soạn báo chí. Từ đó, báo chí địa phương không chỉ “bắt nhịp” với các xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, mà còn phát huy được thế mạnh, bản sắc địa phương, hướng đến vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa có thể phụng sự bạn đọc ngày càng tốt hơn trong bối cảnh truyền thông số.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính, đến cuối năm 2018, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử; 66 đài phát thanh - truyền hình trung ương và địa phương; khoảng 41.600 người làm việc trong lĩnh vực báo chí; trong đó có khoảng 22 ngàn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hơn 19 ngàn nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề.

Nguyễn Tôn Hoàn

Tổng biên tập Báo Đồng Nai, Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai

Tác giả: Nguyễn Tôn Hoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây