Âm nhạc Đồng Nai với biển đảo quê hương

Thứ hai - 23/11/2020 13:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đề tài về biển đảo từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca và âm nhạc. Có hàng trăm bài thơ, ca khúc về biển đảo đi cùng năm tháng ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt. Ở Đồng Nai, biển đảo đi vào lời ca, tiếng hát hay được hình tượng hóa bằng những vũ điệu bay bổng, lãng mạn góp phần hiện trọn vẹn tình yêu quê hương đất nước, thổi làn gió mới vào sáng tác ca khúc, tăng sức mạnh dân tộc.

img-5-23-11-2020.jpg?t=1752456061

Tiết mục Hát về biển do nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn

Biển đảo quê hương - đề tài hấp dẫn

Theo nhạc sĩ Bùi Công Thuấn, khi biển Đông “dậy sóng” thì biển đảo trở thành đề tài nóng, thu hút không chỉ riêng ông mà các văn nghệ sĩ khác quan tâm sáng tác. Trong tháng 4 vừa qua ông đã sáng tác ca khúc Lời gọi biển Đông. Lời bài hát là nỗi niềm đau đáu: “Biển Đông cơn sóng dữ đang thét gào/ Biển Đông mình Tổ quốc loang máu đào…/ Biển Đông lời Tổ quốc đang réo gọi/ Biển Đông triệu triệu con tim xin đáp lời/ Thề chiến đấu không lùi bước/ Thề sống chết cho Tổ quốc…”.

Ca khúc Lời gọi biển Đông được nhạc sĩ Bùi Công Thuấn đăng tải trên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của công chúng, nhất là giới văn nghệ sĩ Đồng Nai. Ông tin rằng, biển đảo luôn luôn là đề tài vô tận và sẽ được phát huy, được tỏa sáng khi nó gắn với tấm lòng yêu nước, gắn với ý thức dân tộc, gắn với tinh thần bảo vệ Tổ quốc.

Với tấm lòng hướng về biển đảo quê hương, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã sáng tác, phổ nhạc nhiều ca khúc về Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể kể đến như: Hoàng Sa Trường Sa máu thịt Việt Nam; Bài ca lính Trường Sa;  Đêm Trường Sa xuân về nhớ mẹ; Chúng ta lại lên đường… Âm hưởng trong những bài hát của nhạc sĩ Trần Viết Bính vừa hòa nhịp với âm nhạc đương đại vừa đậm nét dân gian dân tộc. Chẳng hạn bài Đồng dao Hoàng Sa, Trường Sa được ông phổ nhạc từ thơ Phạm Xuân Nguyên : “Nu na nu nống, đánh trống phất cờ/ Biển cả xa bờ, Hoàng Sa Trường Sa/ Nu na nu nống/ Nu nống nu na…”.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính cho rằng, biển đảo từ lâu đã “chạm” sâu vào tâm hồn, máu thịt của người dân Việt Nam. Khi vùng biển nước ta bị xâm phạm, không có lý gì trái tim người nghệ sĩ lại đứng ngoài. Bằng trái tim nhạy cảm của người nhạc sĩ, mỗi suy nghĩ dễ bật ra thành một giai điệu. Những tác phẩm này là tấm lòng và tình cảm chân thành của các nhạc sĩ Đồng Nai dành cho biển đảo quê hương. “Biển đảo luôn là nguồn cảm hứng vô tận giúp tôi “thăng hoa” và có những sáng tạo mới nghệ thuật trong nghệ thuật” - nhạc sĩ Trần Viết Bính nhấn mạnh.

Mạch nguồn cảm xúc về biển đảo mang đến cho các nhạc phẩm sự chuyển biến lớn về nghệ thuật. Cao Hồng Sơn là một trong những nhạc sĩ rất thành công với đề tài biển đảo. Những ca khúc của ông có nét riêng, thấm đẫm cảm xúc và mang hơi thở của cuộc sống. Ông đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng yêu nhạc qua các ca khúc về biển như: Hát quốc ca giữa đảo Trường Sa, Mẹ và con…

Mới đây nhất, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đã đoạt giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với bài hát Những chàng trai của biển. Lời bài hát mang âm hưởng hào hùng, chạm đến góc thiêng liêng sâu thẳm trong trái tim của nhiều người: “Biển đông dậy sóng bến rung/ Đảo xa gội bão thức bờ/ Và Việt Nam của tôi lại có bao chàng trai/ Ngẩng mặt biển khơi quyết giữ gìn Tổ quốc”.

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn chia sẻ: “Mỗi khi chủ quyền biển đảo bị đe dọa thì lẽ tự nhiên lòng yêu nước và ý thức dân tộc lại bùng cháy trong trái tim của mỗi người. Tình yêu biển đảo là chất “men” cảm xúc để tôi sáng tác những ca khúc hào hùng. Từ đó khơi dậy lòng yêu nước, giúp công chúng hiểu hơn về tinh thần bất khuất của những chàng trai nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm đang sống và chiến đấu bảo vệ quần đảo yêu thương của Tổ quốc”.

Bằng sự nhạy cảm và tìm tòi trong nghệ thuật, các nhạc sĩ Đồng Nai đã cho ra đời nhiều ca khúc hay, ca khúc mới về biển đảo. Nhiều ca khúc tìm được đời sống riêng như: Hát về Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Quang Trung; Cánh chim xa của tác giả Thi Đường; Tiếng biển của nhạc sĩ Lệ Hằng; Tâm tình của người lính biển của tác giả Thứ bảy; Hoàng Sa Trường Sa trong tim ta của Thế Phương…

Lan tỏa trong cộng đồng

Lý giải về sự nở rộ của các ca khúc về biển đảo, NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cho biết: “Viết về biển đảo từ lâu đã thành một phong trào lớn của mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật chứ không riêng gì âm nhạc. Các nhạc sĩ rất nhạy bén và dễ rung động với đề tài này. Đặc biệt, gần đây, Hội thường xuyên tổ chức các cuộc vận động sáng tác về đề tài biển đảo và những chuyến đi thực tế. Do đó mà nhiều ca khúc đã ra đời và trở thành tâm điểm chú ý của mọi người”.

Theo đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Trần Tâm, phổ biến ca khúc về biển đảo và lan tỏa chúng trong cộng đồng được Trung tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Các tác phẩm về biển đảo có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện muôn vàn cung bậc cảm xúc của nghệ sĩ và được công chúng hào hứng đón nhận. “Tôi cho rằng đây là cách truyền tải tình yêu biển đảo đến người dân một cách dễ dàng, hiệu quả và thiết thực nhất” - anh Trần Tâm nhấn mạnh.

Là nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn những ca khúc về biển đảo, Thanh Thảo (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) bày tỏ: “Âm nhạc Đồng Nai viết về biển đảo nhưn mạch nguồn chảy mãi trong lòng bao thế hệ với những giai điệu mượt mà, sâu lắng. Mỗi lần hát về biển, tự trong huyết quản tôi dâng tràn xúc động, trái tim cảm thấy như Tổ quốc đang gọi tên mình. Những lời ca về biển giống như là lời hiệu triệu, truyền ngọn lửa đến với những ai chưa một lần đặt chân đến Hoàng Sa Trường Sa, cùng bảo vệ biển đảo thân yêu”.

Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây