320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Nét son tỏa sáng muôn đời

Thứ tư - 26/12/2018 00:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Đồng Nai được biết đến là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động ở miền Đông Nam bộ. Không chỉ có lịch sử lâu đời, vùng đất này còn ẩn chứa nhiều giá trị vật chất và tinh thần độc đáo. 320 năm đã trôi qua nhưng những dấu tích của các nền văn hóa, trải qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng, kiên cường và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân Đồng Nai vẫn được lưu giữ và tỏa sáng trong đời sống hôm nay.

Biên Hòa - Đồng Nai tự thân đã tạo nên một sức hút mãnh liệt đối với hào kiệt bốn phương, sản sinh ra những người con ưu tú. Bởi chỉ có ở nơi đây, họ mới có dịp được trổ tài “kinh bang tế thế”, đem chí nam nhi dựng xây đất nước hùng cường.

Tưởng nhớ bậc tiền nhân

Ngược dòng lịch sử, trước thế kỷ XVI, Biên Hòa - Đồng Nai vẫn là vùng đất hoang vu chưa người khai phá. Đầu thế kỷ XVII, vùng đất này trở lên sôi động với sự xuất hiện của người Việt từ vùng Thuận Quảng vào đây khai phá lập làng sinh sống. Năm 1658, Chúa Nguyễn sai Nguyễn Phước Yến đem 3.000 quân dẹp loạn đến Mô Xoài (Mỗi Xuy) chứng tỏ người Việt đã làm chủ tình hình ở đây. Năm 1679, nhóm người Hoa gồm Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thượng Xuyên đem 50 thuyền, 3.000 gia nhân đến xin trú ngụ. Chúa Nguyễn Phước Tần cho khai khẩn đất phương Nam: Nhóm Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn đến Mỹ Tho (Tiền Giang); nhóm Trần Thượng Xuyên đến Bàng Lân (Biên Hòa), góp phần xây dựng Cù lao Phố thành thương cảng sầm uất, giao dịch với thương nhân trong và ngoài nước.

Mùa Xuân năm Mậu Dần 1698, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào thiết lập bộ máy hành chính an dân.  Ông đặt xứ Nam bộ làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình như: Thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chánh, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền… tạo cơ sở cho việc phát triển Đồng Nai, chính thức hóa vùng đất này trên bản đồ quốc gia Đại Việt.

 
Trung tâm Văn miếu Trấn Biên.

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất (năm 1700), Chúa Nguyễn Phước Châu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Nguyễn Khánh Đức lập văn miếu ở thôn Bình Thành - Tân Lại (nay thuộc phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) nhằm khuếch trương Nho học, báo hiệu Đồng Nai không chỉ giỏi làm ăn, buôn bán, mà còn là xứ sở của văn vật, trọng đạo lý thánh hiền… Trong quá trình phát triển, vùng đất Đồng Nai chịu nhiều thử thách, những biến động khôn lường của lịch sử. Chính những thách thức khắc nghiệt của cuộc sinh tồn đã đặt bao thế hệ người Đồng Nai trước những lựa chọn, buộc họ phải tranh đấu và vươn lên không ngừng. Và cũng chính trong những hoàn cảnh ấy đã sản sinh ra cho mảnh đất này những người con anh hùng.

Đất “địa linh” đã sinh ra “nhân kiệt”. Có thể kể đến như: Trịnh Hoài Đức; Bùi Hữu Nghĩa; Nguyễn Đức Ứng; Đoàn Văn Cự; Bình Nguyên Lộc; Lý Văn Sâm; Hoàng Văn Bổn… Các tướng lĩnh, danh nhân, học giả... lớp sau nối lớp trước bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống cho vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Họ là những bậc tinh anh, hiền tài, là hào quang tỏa sáng muôn đời, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Đồng Nai.

Tự hào đất và người xứ Đồng Nai

Cũng bởi có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông TP. Hồ Chí Minh và là một trung tâm kinh tế lớn của phía Nam, Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng, thuận lợi, nối Nam Trung bộ, Nam Tây nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam bộ. Cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất Đồng Nai ngày càng khang trang, đẹp đẽ và đời sống dân sinh ngày càng được cải thiện, xứng tầm một đô thị loại I văn minh, hiện đại. Đồng Nai cũng nỗ lực bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa 320 năm hình thành và phát triển vùng đất này. Đó là những hoạt động như: Phỏng dựng Văn miếu Trấn Biên năm 2010; trùng tu tôn tạo đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích chùa Ông, đình Tân Lân… để tưởng nhớ, tri ân công lao của các bậc tiền nhân.

Để góp phần quan trọng làm cho lễ kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai thành công và mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương của Đồng Nai đã tích cực thực hiện nhiều công trình trên các lĩnh vực. Đó là việc làm mới một số tuyến đường, tạo cảnh quan vườn hoa, công viên văn hóa hay một góc phố đi bộ tạo điểm nhấn cho TP. Biên Hòa, mở ra điểm vui chơi, giải trí cho người dân và du khách. Đó còn là công trình nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật; triển lãm về thành tựu kinh tế - xã hội, Biên Hòa xưa và nay…

Đến thời điểm này, chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày lễ chính của đại lễ 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, trong rêu phong ngày cũ, nghe như còn vọng lại đâu đây ước nguyện của cha ông 320 năm trước - ước nguyện về một vùng đất trù phú, thịnh trị và phát triển. Nghĩ về các bậc tiền nhân đã có công mở cõi, đánh giặc ngoại xâm để hôm nay mỗi người dân đất Biên Hòa - Đồng Nai không ngừng hun đúc tinh thần yêu nước, phát huy ý chí sáng tạo, chung tay xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu, xứng đáng với truyền thống cha ông.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây