(CTT-Đồng Nai) - Từ ngày 1-1-2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện một ca phẫu thuật
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện một ca phẫu thuật
Một trong những điểm mới quan trọng đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là thay thế tên gọi "Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" thành "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh". Phương thức cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc này do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 5 năm và để được gia hạn Giấy phép hành nghề thì phải đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cũng cho phép cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.
Bệnh viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.
Về giá dịch vụ khám bệnh, Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ BHYT thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu.
HĐND cấp tỉnh quy định giá khám chữa bệnh với các bệnh viện trên địa bàn, nhưng không vượt khung giá tương ứng của Bộ Y tế. Bệnh viện công lập áp dụng giá với người không có thẻ BHYT dùng dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ BHYT chi trả mà không phải loại hình theo yêu cầu. Bệnh viện cũng được tự quyết định giá dịch vụ theo yêu cầu nhưng phải kê khai.
So với Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, Luật sửa đổi chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh như: chi phí nhân công, thuốc, hóa chất, chi phí khấu hao thiết bị y tế, chi phí quản lý như duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế... Như vậy, quy định mới sẽ giải quyết được vấn đề tính đúng tính đủ giá khám chữa bệnh.

Cấp cứu cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Cấp cứu cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai