Từ ngày 1-7, tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Theo đó, bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS bằng thẻ BHYT không cần phải xin giấy chuyển tuyến tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, không phân biệt tuyến chuyên môn.
Mừng vì được thông tuyến
Trước đây, mỗi lần bị viêm phổi, nhiễm nấm candida (loại bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở bệnh nhân nhiễm HIV), chị V.T.H., ngụ tại huyện Vĩnh Cửu phải xin giấy chuyển tuyến, mất thời gian đi lại. Chị H. kể, 8 năm trước chị phát hiện bị nhiễm HIV khi đang mang thai. “Thỉnh thoảng tôi bị bệnh do làm việc quá sức, muốn đi khám bệnh tuyến trên phải xin giấy chuyển tuyến, rất mất thời gian. Giờ biết thông tin khám ở bất cứ bệnh viện nào trên địa bàn tỉnh vẫn được thanh toán BHYT bình thường, tôi rất mừng”, chị H. chia sẻ. Ðể có cuộc sống bình thường, chị H. đi làm công nhân, hằng ngày vẫn uống thuốc ARV và làm việc như mọi người.
Từ đầu tháng 7, người nhiễm HIV-AIDS có thể khám, chữa bệnh liên quan đến HIV ở bất cứ cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến.
BS. Nguyễn Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, Sở Y tế vừa có Công văn số 2674 SYT/NVY, ngày 26-6-2018 về việc khám, chữa bệnh và chuyển tuyến người bệnh nhiễm HIV/AIDS. Sở Y tế đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất, người bệnh có thẻ BHYT được đến khám, điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS tại tất cả các cơ sở y tế mà không cần giấy chuyển tuyến. Như vậy, bệnh nhân không cần quan tâm nơi đăng ký BHYT ban đầu ở đâu, họ có quyền đến khám tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh.
“Sáng 4-7, có 2 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm HIV đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa (BVÐK) Ðồng Nai nhưng bệnh viện yêu cầu giấy chuyển tuyến. Trước sự việc này, chúng tôi đã kịp thời can thiệp để bệnh nhân không phải quay lại Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Biên Hòa xin giấy chuyển tuyến; bệnh viện vẫn được thanh toán BHYT theo văn bản của Sở Y tế”, BS. Giỏi nói. Trước đây, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS do TTYT TP. Biên Hòa quản lý muốn chữa trị tại BVÐK Ðồng Nai, cần phải có giấy chuyển tuyến. Ðiều này khiến cả bệnh nhân và TTYT đều cảm thấy phiền hà. Việc thông tuyến là điều mong muốn của cả bệnh nhân lẫn các cơ sở y tế.
Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh
Ðến nay, các cơ sở y tế như: phòng khám, điều trị ngoại trú HIV (phòng khám OPC), TTYT, bệnh viện đều đã có hợp đồng khám, chữa bệnh HIV/ AIDS bằng BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn 2 đơn vị là Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, TTYT TX. Long Khánh chưa có hợp đồng khám, chữa bệnh HIV/AIDS bằng BHYT. Dự kiến, cuối tháng 7-2018, 2 đơn vị này hoàn chỉnh hồ sơ để ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. “Bộ Y tế đã chỉ đạo, nếu tất cả các cơ sở y tế không kiện toàn để được khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân, tỉnh phải tự bỏ kinh phí trả cho việc điều trị ARV của bệnh nhân. Chúng tôi đang ráo riết để hoàn thành việc ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân”, BS. Giỏi cho biết thêm.
BS. Trương Văn Rạng, Phó giám đốc TTYT TX. Long Khánh cho hay, từ năm 2010, Phòng OPC của trung tâm đi vào hoạt động. Số bệnh nhân điều trị ARV ngày càng tăng nên trung tâm đã chuyển một số bệnh nhân ổn định về trạm y tế điều trị nhằm giảm tải. Ðáng chú ý, trong 412 bệnh nhân mà trung tâm đang quản lý, có đến hơn 200 người có hộ khẩu từ các vùng lân cận.
Trước tình hình thuốc ARV sẽ bị Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm vào những năm tới và người bệnh phải dùng thẻ BHYT để tiếp tục điều trị, TTYT thị xã Long Khánh đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng để khám bệnh BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Cụ thể, trung tâm đã có phòng khám OPC; có khoa xét nghiệm triển khai được các xét nghiệm cơ bản cần thiết để phục vụ công tác điều trị HIV/AIDS; có phòng siêu âm, X-quang, hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu với BHYT… “Khi nào hợp đồng khám, chữa bệnh HIV/ AIDS bằng BHYT được ký, trung tâm sẽ triển khai khám bệnh BHYT cho người bệnh. Hiện nay, trung tâm vẫn cấp thuốc ARV, khám ngoại trú bình thường”, BS. Rạng nói.
Tại huyện Long Thành, BS. Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc TTYT cho biết thêm, trung tâm đang điều trị cho 486 bệnh nhân nhiễm HIV của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch và các vùng lân cận. Hiện nay, bệnh nhân vẫn được nhận thuốc ARV miễn phí từ Quỹ Toàn cầu tài trợ. Còn các xét nghiệm kèm theo hoặc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh nhân phải tự chi trả. Từ tháng 5 đến nay, bệnh nhân có thẻ BHYT đã được chi trả các phần xét nghiệm, điều trị liên quan tại trung tâm. Nhưng trong số bệnh nhân trên vẫn còn 112 bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, đang chờ cấp thẻ.
Hiện nay, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được khám chung với các bệnh nhân bình thường để tránh sự kỳ thị; nhưng lượng bệnh nhân đông nên họ phải chờ đợi lâu hơn. Vì vậy, TTYT Long Thành dự kiến sẽ mở thêm phòng khám nội để phục vụ bệnh nhân. “Trước đây, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hầu như đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BVÐK khu vực Long Thành. Họ không thể quay về TTYT khám nên chúng tôi gặp vướng mắc. Việc thông tuyến này giúp bệnh nhân không cần đổi thẻ BHYT, không cần giấy chuyển tuyến. Còn bệnh viện cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế cho bệnh nhân mà không bị xuất toán”, BS. Văn Văn nhấn mạnh.
Hỗ trợ thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS
Những năm gần đây, số ca nhiễm HIV mới có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2015 có trên 300 ca mắc mới; năm 2017 chỉ có hơn 200 trường hợp mắc mới. Điều đáng chú ý, các ca nhiễm mới này phát hiện tăng cao ở nhóm người có quan hệ đồng tính. Cho đến nay, UBND tỉnh đã cấp miễn phí 2.650 thẻ BHYT. Còn 300 thẻ, ngành Y tế đang đề nghị UBND tỉnh cấp trong thời gian tới. Mục đích của việc hỗ trợ này là đến đầu năm 2019, khi Quỹ toàn cầu ngưng cấp thuốc ARV, tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh.
Chiêu Ly
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập