Từ năm 2018, một số chính sách về lao động, việc làm đáng chú ý chính thức có hiệu lực thi thành như: Nghị định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động; trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần; xây dựng thang, bảng lương…
Thời hạn giải quyết khiếu nại lĩnh vực lao động
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2018/NÐ-CP giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2018.
Nghị định áp dụng đối với bảy nhóm đối tượng. Cụ thể là người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó còn có sáu nhóm cá nhân, tổ chức khác.
Nghị định nêu rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày. Ðối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trong 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai, đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
Việc đối thoại phải được lập thành biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả. Biên bản đối thoại được lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại. Ðây cũng là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong ba trường hợp sau đây: Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.
Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính trong hai trường hợp: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.
Trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Theo Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 29-12-2017 quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2018 quy định về các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau: Ðiều 4 của thông tư quy định rõ các bệnh sau đây được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động:
- Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
- Các bệnh, tật ngoài các bệnh nêu trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Xây dựng thang, bảng lương phải tham khảo ý kiến Công đoàn
Theo Nghị định số 141/2017/NÐ-CP, từ năm 2018, mức lương tối thiểu (LTT) vùng áp dụng đối với người lao động (NLÐ) làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đã được điều chỉnh tăng lên 180.000 - 230.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng so với năm 2017.
Cụ thể: Vùng 1 tăng 230.000 đồng/tháng (lên 3.980.000 đồng/tháng); Vùng 2 tăng 210.000 đồng/tháng (lên 3.530.000 đồng/tháng); Vùng 3 tăng 190.000 đồng/tháng (lên 3.090.000 đồng/tháng); Vùng 4 tăng 180.000 đồng/tháng (lên 2.760.000 đồng/tháng).
Doanh nghiệp căn cứ theo mức LTT vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Nếu DN xây dựng thang lương, bảng lương thấp hơn mức LTT vùng, công đoàn cơ sở (CÐCS) cần chủ động khuyến cáo người sử dụng lao động sớm khắc phục, sửa đổi; đồng thời điều chỉnh mức tiền đóng các khoản bảo hiểm; mức tính tiền làm thêm giờ cho NLÐ theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện điều chỉnh, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLÐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp (Khoản 3, Ðiều 5, Nghị định 141).
Khi sửa đổi, bổ sung nội dung thang, bảng lương, DN phải tham khảo ý kiến của CÐCS (đại diện tập thể NLÐ tại DN) và công bố công khai tại nơi làm việc của NLÐ trước lúc thực hiện.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập