Bỏ cộng điểm khuyến khích vào lớp 10: Để không đi chệch mục tiêu dạy nghề

Thứ tư - 10/01/2018 00:46
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ÐT mới công bố đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Trong đó, điều được nhắc đến nhiều nhất chính là bỏ quy định Sở GD-ÐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10.​

Với quy định này, khi thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS. Quy định này nhận được nhiều sự đồng tình từ phía các nhà chuyên môn.

Bỏ cộng điểm nghề là hợp lý

Mục đích của việc dạy nghề phổ thông nhằm góp phần phân luồng, hướng nghiệp, để học sinh được tiếp cận với các nghề mà các em có sở thích, sở trường. Theo chương trình giáo dục trung học thì nghề phổ thông hiện vẫn là môn học bắt buộc học sinh phải hoàn thành để xét tốt nghiệp THCS, THPT. Bộ GD-ÐT quy định chương trình học nghề THCS là 70 tiết, THPT là 105 tiết với 11 nghề khác nhau. Tuy nhiên, nhiều địa phương sử dụng điểm nghề để cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Do đó, với mục tiêu “thi để cộng điểm” nên hầu hết học sinh đều chọn nghề dễ đạt điểm giỏi để được cộng điểm tối đa.


Việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong xét tốt nghiệp và tuyển sinh đầu cấp được nhiều người đồng tình. Trong ảnh: Thí sinh thi nghề tin học trong kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD-ĐT Đồng Nai tổ chức.

Theo đó, học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ÐT tổ chức ở cấp THCS sẽ được cộng 1,5 điểm nếu đạt loại giỏi, cộng 1 điểm nếu đạt loại khá và cộng 0,5 điểm nếu đạt loại trung bình. Trong những kỳ tuyển sinh lớp 10 trước đây, học sinh Ðồng Nai cũng được hưởng chế độ khuyến khích này. Trong kỳ thi nghề phổ thông bậc THCS năm học 2016 - 2017, Ðồng Nai có hơn 33.500 thí sinh dự thi. Trong đó, hơn 18.400 thí sinh chọn thi Tin học văn phòng, hơn 13.200 thí sinh chọn thi Ðiện dân dụng, hơn 1.800 thí sinh chọn thi nghề Nấu ăn và chỉ có 26 thí sinh chọn thi nghề Thêu tay.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu chia sẻ: “Việc học nghề này có ý nghĩa hết sức tốt đẹp và đúng tinh thần giáo dục toàn diện của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, việc các Sở GD-ÐT cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10 đã khiến cho việc học nghề không còn giữ được ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Hầu hết học sinh đi học nghề chỉ quan tâm đến mình xếp loại gì và được cộng bao nhiêu điểm. Khi điểm số biến thành mục tiêu thì quá trình thực hiện mục tiêu ấy sẽ sai lệch ngay lập tức. Ý kiến về việc nên bỏ cộng điểm nghề trong xét tuyển sinh này đã được bản thân tôi nêu ra từ cách đây mấy năm. Vì vậy, tôi rất ủng hộ quy định mà dự thảo đưa ra”.

Phù hợp với tinh thần tinh giản các cuộc thi

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang có nhiều chế độ khuyến khích áp dụng cho các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi, với mức từ 0,5 - 2 điểm. Từ các cuộc thi học sinh giỏi môn văn hóa, khoa học kỹ thuật... đến các kỳ khác nhu: thi văn nghệ; thể dục thể thao; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi thí nghiệm thực hành một trong các bộ môn vật lý, hóa học, sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn… Việc cộng điểm khuyến khích này đã khiến cho mục đích tham gia các cuộc thi của học sinh bị biến tướng.

Tháng 5-2017, Bộ GD-ÐT ban hành văn bản số 1915 về tinh giản các cuộc thi của giáo viên và học sinh. Quy định không cộng điểm vào kết quả tốt nghiệp, thi tuyển đầu cấp với các cuộc thi do Sở tổ chức là phù hợp với văn bản này. Ðiều này cũng nhằm chấn chỉnh tình trạng “loạn các cuộc thi” ở địa phương để lấy điểm, lấy giải làm điểm cộng ưu tiên trong việc tuyển sinh đầu cấp, dẫn tới việc biến tướng, méo mó các sân chơi trí tuệ vốn hữu ích, lành mạnh. Với việc bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh đầu cấp cũng nhằm đưa dạy nghề về đúng với mục đích đã từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử.

Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, Bộ GD-ÐT quyết định bỏ cộng điểm vào thi tốt nghiệp cũng có nghĩa là sẽ giải thể các trung tâm dạy nghề phổ thông ở cấp THCS. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể dùng những cơ sở dạy nghề ấy chuyển đổi thành các trung tâm dạy về STEM hoặc dạy lập trình.

Đồng Nai triển khai chấn chỉnh “loạn các cuộc thi”

Sở GD-ÐT vừa có công văn về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh trung học từ năm học 2017 - 2018. Theo đó, Sở yêu cầu các phòng GD-ÐT và các trường THPT thông báo rộng rãi cho cha mẹ học sinh và học sinh hiểu và nắm rõ thông tin về các cuộc thi dành cho học sinh. Trong đó bao gồm các cuộc thi do Bộ GD-ÐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức và các cuộc thi do Sở GD-ÐT chủ trì tổ chức.

Cụ thể, từ năm học 2017 - 2018, các cuộc thi do Sở GD-ÐT tổ chức gồm: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; kỳ thi chọn học sinh giỏi các bộ môn văn hóa; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học; hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh cấp trung học phổ thông (tổ chức 2 năm/lần); kỳ thi tốt nghiệp nghề phổ thông cấp THCS và THPT; hội thi kể chuyện “Gương sáng làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hội thi về văn hóa giao thông cho học sinh; Hội khỏe Phù Ðổng cấp tỉnh; hội thi tiếng hát học sinh tỉnh Ðồng Nai; hội thi vở sạch chữ đẹp cấp tiểu học (tổ chức 2 năm/lần); hội thi hát múa sân trường cấp tiểu học (tổ chức 4 năm/lần).

Ðối với các cuộc thi do các đơn vị tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, Sở yêu cầu các đơn vị chỉ tổ chức những cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo; phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông…

Sở GD-ÐT không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017 - 2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018 - 2019. Việc cộng điểm ưu tiên, khuyến khích xét tuyển thẳng đối với học sinh trong tuyển sinh đầu cấp và xét tốt nghiệp THPT được thực hiện theo hướng dẫn tuyển sinh vào các lớp đầu cấp do Sở GD-ÐT ban hành và quy chế thi THPT quốc gia do Bộ GD-ÐT ban hành.

H. An

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây