Ngày 15/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Đối tượng áp dụng bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội; người lao động đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật an toàn, vệ sỉnh lao động được quy định như sau: hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần được tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá mức tối đa theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội; chế độ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động quy định tại Nghị định này và các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp như sau: Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần; người lao động có thời gian làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển sang đơn vị khác được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% mức chi khám bệnh nghề nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập