Xóa “điểm nóng” sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Thứ tư - 18/07/2018 00:30
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Những năm trước, Đồng Nai là một trong những điểm “nóng” của tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hàng chục vụ việc sử dụng chất tạo nạc (Salbutamol) trong chăn nuôi heo được phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm hẳn khi phần lớn người chăn nuôi đã nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi.​

Người nuôi nói “không” với chất cấm

Ông Trần Minh Đoan, một hộ chăn nuôi heo ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom cho biết, nhưng năm 2014, 2015, người chăn nuôi heo phải thường xuyên đối mặt với tình trạng “chèo kéo” sử dụng chất cấm khi heo gần xuất chuồng. “Khoảng gần nửa tháng trước khi xuất bán thì thương lái họ tìm đến. Họ đặt vấn đề là nên sử dụng chất tạo nạc để heo có nhiều nạc sẽ được thu mua với giá cao”, ông Đoan cho biết.

Theo ông Đoan, người nuôi một phần vì chạy theo lợi nhuận, phần nữa do lo sợ heo ít nạc sẽ không được thương lái mua nên một số người đã đồng ý sử dụng để bán được heo với giá cao.

Việc thương lái “dụ dỗ” người nuôi khiến tình trạng sử dụng chất cấm, đặc biệt là trong chăn nuôi heo “nở rộ” trong thời gian trên. Người chăn nuôi heo tại Đồng Nai lúc bấy giờ đứng trước 2 con đường mà lựa chọn nào cũng đưa họ vào thế bất lợi. Chấp nhận sử dụng chất cấm thì bán được heo với giá cao nhưng sẽ bị xử phạt nếu ngành chức năng phát hiện, trong khi không sử dụng thì bị ép giá, đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trước tình thế này, mỗi hộ chăn nuôi đều có lựa chọn riêng và thực tế cho thấy, nhiều hộ đã lựa chọn phương án sử dụng chất cấm để bán được heo với giá cao.

Từ một điểm “nóng”, hiện tình trạng sử dụng chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi heo tại Ðồng Nai đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm hẳn. Ông Nguyễn Văn Hùng, người nuôi heo ở xã Long An, huyện Long Thành cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, việc thương lái đi chèo kéo người nuôi sử dụng chất cấm khi heo gần xuất chuồng đã không còn xuất hiện. “Giờ tiền phạt cao, sử dụng nhiều còn có thể bị xử tù nên thương lái cũng không còn dám mời người nuôi sử dụng nữa, mà có mời thì cũng không người chăn nuôi nào dám dùng”, ông Hùng chia sẻ.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang cho biết, khoảng 3 năm trở về trước, Đồng Nai là một trong những điểm “nóng” về tình trạng sử dụng chất cấm, nhất là chất tạo nạc trong chăn nuôi heo. Nguyên nhân là do sự tiếp tay của một số thương lái nhỏ lẻ. Những thương lái này thường “ép” người nuôi sử dụng để được mua với giá cao hơn. Ngoài ra, do chế tài xử phạt còn quá nhẹ khiến một số người nuôi bất chấp quy định, sử dụng chất cấm để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm hẳn.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi - thú y, số lượng mẫu kiểm tra dương tính với chất cấm tạo nạc trên địa bàn tỉnh đã giảm dần theo từng năm. Năm 2015 được coi là năm “bùng nổ” của tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong 386 mẫu kiểm tra thì có đến 47 mẫu dương tính với chất cấm tạo nạc. Năm 2016, trong 663 mẫu kiểm tra thì chỉ có 8 mẫu dương tính với chất cấm; năm 2017, trong 882 mẫu kiểm tra chỉ có 1 mẫu dương tính với chất cấm. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2018, trong 160 mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng chưa phát hiện mẫu dương tính với chất cấm.

Theo ông Quang, nhờ các biện pháp xử phạt đã được tăng nặng, trong đó có cả việc xử lý hình sự cộng với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên người chăn nuôi đã nhận thức được tác hại và nói không với chất cấm trong chăn nuôi.

Ý thức chăn nuôi sạch được nâng cao

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, ngoài công tác tuyên truyền và chế tài xử phạt được tăng nặng thì chính diễn biến thị trường cũng khiến cho ý thức của người chăn nuôi được nâng lên. Điều này cũng góp phần khiến cho việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi giảm hẳn. Theo ông Công, những năm gần đây người chăn nuôi heo thường xuyên phải đối mặt với những diễn biến bất lợi về giá cả. Do đó, hiện không hộ chăn nuôi nào lại “dại dột” sử dụng chất cấm cả. “Bởi, nếu bị phát hiện, người tiêu dùng tẩy chay không sử dụng thịt heo thì chính người chăn nuôi sẽ lại nhận hậu quả nặng nề nhất”, ông Công cho biết.

Bà Nguyễn Thị Nhị, một hộ chăn nuôi heo quy mô ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất cho biết, hiện tại người chăn nuôi chỉ mong giá heo được ổn định để an tâm làm nghề. Do đó cũng không ai nghĩ đến việc sử dụng chất cấm để tăng lợi nhuận. “Giờ giá nó đã bấp bênh, nếu thêm việc sử dụng chất cấm bị phát hiện thì giá còn xuống nữa. Người dùng giờ họ cũng quyết liệt, có thông tin chất cấm là họ không dùng thịt heo nên người nuôi giờ không ai dám dùng”, bà Nhị cho hay.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú ý Trần Văn Quang, hiện nay ý thức chăn nuôi sạch của người dân đã được nâng cao. Bởi phần lớn người nuôi đều nhận thấy, chỉ có chăn nuôi sạch mới bền vững và mang lại giá trị cao.

Ngoài ra, hiện Đồng Nai cũng triển khai nhiều chương trình khuyến khích chăn nuôi sạch nhằm tạo sự phát triển bền vững. “Toàn tỉnh đã có 61 trang trại chăn nuôi heo đạt chứng nhận VietGAHP cùng với 638 hộ thành viên của các nhóm GAHP (thực hành chăn nuôi tốt nông hộ) được chứng nhận VietGAHP nông hộ”, ông Quang cho biết.

Lê Văn

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây