Trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát, nhất là việc rao bán, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội thời gian gần đây, cơ quan chức năng đang tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong sản xuất, kinh doanh cũng như ý thức cảnh giác của người tiêu dùng trước đa dạng các loại sản phẩm, hàng hóa.
Hàng giả khó kiểm soát
Dạo quanh các khu chợ hay các shop thời trang nhỏ lẻ trên địa bàn TP.Biên Hòa, nhất là các chợ công nhân, chợ đêm, dễ dàng bắt gặp các sản phẩm mỹ phẩm có nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới được bày bán. Các mặt hàng mỹ phẩm này vô cùng dồi dào về số lượng, mẫu mã và được quảng cáo là xuất xứ từ nhiều nước như Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan… Tuy nhiên, hầu hết các loại “hàng hiệu” rởm này đều được bán với mức giá vài trăm ngàn đồng, phổ biến nhất là các loại son, kem dưỡng da, dầu gội đầu, nước hoa...
Để bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa của doanh nghiệp, lực lượng chức năng đã kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý hàng giả. Tuy nhiên lượng hàng giả, nhập lậu trên thị trường vẫn khá nhiều và hình thức sản xuất, kinh doanh ngày càng tinh vi. Mỹ phẩm cũng là mặt hàng được làm giả nhiều nhất trong các vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện. Điển hình ngày 8-2, qua kiểm tra hành chính Công ty TNHH thương mại và dịch vụ H.M.H (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa), cơ quan chức năng phát hiện hơn 600 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ chủ yếu là mỹ phẩm như nước hoa hồng, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, dầu gội, dầu xả, son môi…
Lực lượng QLTT kiểm tra các thùng nguyên liệu tại một cơ sở sản xuất mỹ phẩm.
Trước đó, các cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra chi nhánh Công ty mỹ phẩm H.V (phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) phát hiện hàng ngàn sản phẩm là mỹ phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản tạm giữ gần 18 ngàn hộp kem dưỡng da các loại, 224 bịch sữa tắm, 432 chai sữa tắm trắng, 40 kg kem nguyên liệu và phụ gia khác…
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, tình hình gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp với hành vi vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi và khó kiểm soát. Những lỗi vi phạm chủ yếu là thiếu nguồn gốc, xuất xứ; nhãn hàng hóa, hạn sử dụng của sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm tự pha chế, đóng gói, được mua bán chủ yếu tại các cửa hàng mỹ phẩm nhỏ lẻ, tiệm uốn tóc gội đầu, spa. Trong quý I-2018, qua kiểm tra hơn 630 vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện 280 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính thu nộp ngân sách trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó hàng giả chiếm tỷ lệ cao nhất với 114 vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm 94 vụ, còn lại là hàng lậu và hàng ngoại không rõ nguồn gốc và hàng kém chất lượng.
Để tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn, Chi cục quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đồng thời tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ - tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc tiếp cận thông tin sản phẩm cũng như kiểm tra cơ sở, cá nhân mua bán sản phẩm bằng hình thức cung cấp, phân phối cho người tiêu dùng qua mạng internet hiện rất khó khăn. Do đó, số vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý trên lĩnh vực này còn hạn chế. Nổi cộm trong năm 2017, Đội quản lý thị trường số 2 đã phối hợp kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 20 triệu đồng đối với một doanh nghiệp tại phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) thiết lập website thương mại điện tử bán hàng qua mạng mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tràn lan “dược sĩ Đông y” online
Không chỉ có thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gần đây các loại thuốc đông y lại được rao bán tràn lan trên Facebook với nhiều công dụng khác nhau từ chữa khớp, ho, tiểu đường… đến cả bệnh phụ khoa. Không cần kê đơn hay tham vấn ý kiến của bác sĩ, chỉ với vài cú kích chuột, người dùng có thể dễ dàng mua và được giao hàng tận nhà các loại thuốc đông y này. Thế nhưng nguồn gốc và công dụng thật sự của các loại thuốc đông y được cho là gia truyền này lại khó mà kiểm định, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khỏe người dùng. Điều đặc biệt là số người rao bán các sản phẩm thuốc đông y qua mạng ngày càng nhiều. Và những người bán hàng qua Facebook lại trở thành những “dược sĩ online” với đa dạng các hình thức quảng cáo, thổi phồng công dụng của các loại thuốc này như: “thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc”, “cam kết hoàn tiền nếu không khỏi bệnh”…
Gần đây các bà mẹ bỉm sữa cũng truyền tai nhau công dụng của một loại thuốc trị ho, cảm dùng cho trẻ em được quảng cáo rầm rộ trên Facebook. Theo đó, loại thuốc này có hàng loạt tác dụng như giảm đau, sưng tấy, trị ho, giải cảm, tán phong hàn, ứ huyết, chữa bỏng, nhanh làm lành vết thương, côn trùng đốt, mụn nhọt, mẩn ngứa… Các “dược sĩ online” cũng khẳng định sản phẩm có 100% nguồn gốc từ thiên nhiên, được sáng chế từ người Dao và an toàn cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên sản phẩm này cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm. Theo đó, dạng sản phẩm này được công bố dưới hình thức là kem nhũ tương, khử mùi và chống mùi với mục đích sử dụng để xoa, massage và dưỡng da thay vì là thuốc với rất nhiều công dụng được nhiều người bán hàng không có chuyên môn về y dược tư vấn và bán rầm rộ trên mạng thời gian qua.
Được nhiều “mẹ bỉm sữa” tư vấn về công dụng của loại thuốc đông y trị ho cảm cho con trên Facebook, chị Đoàn Diệu Ý (TP. Biên Hòa, có con nhỏ 3 tuổi) cho biết: “Nghe nhiều bạn bè sử dụng hiệu quả và quảng cáo rất nhiều trên mạng nhưng tìm hiểu kỹ thì biết sản phẩm chỉ được đăng ký dưới dạng mỹ phẩm. Hơn nữa lên mạng đâu đâu cũng thấy quảng cáo thuốc đông y gia truyền, không cần thăm khám kê đơn nên dù có tốt đến đâu mình cũng không dám sử dụng cho con”, chị Ý bộc bạch.
Cũng được quảng cáo là sản phẩm đông y gia truyền, các sản phẩm thuốc đông y trị mụn, làm đẹp da được quảng cáo rầm rộ với rất nhiều dòng sản phẩm từ thuốc uống, bôi, đắp mặt nạ thải độc... Bên cạnh đó, nắm được tâm lý ngại đến thăm khám phụ khoa tại các cơ sở y tế của chị em phụ nữ, nhiều sản phẩm đông y chuyên trị các bệnh phụ khoa cũng được rao bán tràn lan trên Facebook.
Nói về tình trạng tràn lan thuốc Đông y không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng, BS. Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai cho rằng, bên cạnh những cơ sở sản xuất thuốc uy tín, được cấp phép thì có rất nhiều loại thuốc được rao bán tràn lan khó kiểm định được chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ “tiền mất tật mang”. Đơn cử như các loại thuốc đông y có trộn tân dược nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh như giảm đau, giảm mụn, da căng mượt, ăn ngon, tăng cân... “Trên thực tế, thuốc Đông y cần một thời gian nhất định sau khi sử dụng mới phát huy tác dụng chứ không thể hiệu quả tức thời. Một số người bệnh cũng tin vào quảng cáo thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên nên yên tâm sử dụng dài ngày dẫn đến những hiểm họa cho cơ thể. Do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, không tự ý mua thuốc được rao bán qua mạng và nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kê đơn”, BS. Nghị khuyến cáo.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập