Để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, năm 2018, Đồng Nai sẽ tập trung nhiều giải pháp phòng, chống các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng gian hàng giả, gian lận thương mại… Trong đó, chống thất thu thuế được xem là nhiệm vụ trọng tâm.
Thu hơn 1.100 tỷ đồng tiền thuế vi phạm
Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (BCĐ 389), trong năm 2017, trên lĩnh vực chống thất thu thuế, cơ quan chức năng đã tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Trong đó, tập trung kiểm tra làm rõ các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng nghi ngờ. Qua đó, đã phát hiện 3.572 doanh nghiệp vi phạm về thuế, xử lý hơn 1.189 tỷ đồng, trong đó tiền phạt hơn 373 tỷ đồng; số tiền bổ sung, truy thu thuế hơn 815 tỷ đồng. Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Tấn Lợi cho hay, tỷ trọng truy thu và phạt các hành vi gian lận về thuế chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực quản lý của BCĐ 389.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong năm 2017, ngành Thuế Đồng Nai thu đạt dự toán chung nhưng kết quả thu thuế trong lĩnh vực công, thương nghiệp lại không đạt kế hoạch. “Tại sao tất cả đều tăng hết, thương mại tăng, sản xuất tăng nhưng sao thuế lại giảm. Nếu có chính sách thuế gì đó giảm thì mình cũng phải chỉ ra nó giảm bao nhiêu, còn nếu không thì khả năng thất thu thuế rất dễ xảy ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đặt câu hỏi.
Tăng cường chống thất thu thuế để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Trong ảnh: Người nộp thuế tại Cục Thuế Đồng Nai.
Trước câu hỏi này, Phó Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Tấn Lợi thừa nhận, năm 2017, ngành Thuế Đồng Nai thu đạt kế hoạch nhưng cơ cấu thu lại không đạt. Trong đó, 3 lĩnh vực quan trọng nhất gồm: doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tổng thu tăng 11%, tuy nhiên chỉ đạt 75% dự toán; doanh nghiệp Nhà nước địa phương tăng thu 25% và đạt 100% dự toán; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là nguồn thu lớn nhất tăng 7% nhưng tỷ lệ hoàn thành dự toán chỉ đạt 71%. Riêng nguồn thu từ công, thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 14%.
Theo ông Lợi, nguồn thu từ lĩnh vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh hiện chủ yếu do Chi cục Thuế các địa phương đảm nhận, Cục Thuế tỉnh chỉ quản lý một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn. Do đó sự phối hợp, kiểm tra, giám sát vẫn chưa thực sự chặt chẽ. “Hiện Cục Thuế đã chỉ đạo các Chi cục Thuế địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thuế nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và khai thác tốt hơn nguồn thu từ lĩnh vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh”, ông Lợi cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Cục Thuế là cơ quan quản lý chung, do đó phải có sự giám sát đối với các địa phương. “Việc giám sát phải cụ thể. Lấy ví dụ như TP. Biên Hòa, Cục Thuế phải tính xem năm vừa rồi thương mại tăng bao nhiêu phần trăm, nếu như tăng 30% mà thuế tăng 10% thì rất có thể xảy ra thất thu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phải có kế hoạch giám sát, kiểm tra thống kê chặt chẽ thì mới có thể đánh giá được cán bộ thuế có đảm bảo hoàn thành tốt công việc hay không. Bởi theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vẫn còn xảy ra hiện tượng cán bộ “bảo kê” trong lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại. Nếu để xảy ra các hiện tượng trên sẽ gây ra tình trạng kinh doanh không công bằng, từ đó làm nền kinh tế phát triển bị méo mó. “Trong kinh doanh mà doanh nghiệp làm giả, gian lận sống khỏe thì dần dần những doanh nghiệp sản xuất chính thống sẽ không sống được và nền kinh tế như thế là chết”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Tập trung cho Tết Nguyên đán
Theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, Cơ quan thường trực của BCĐ 389, dịp Tết Nguyên đán sắp tới là cao điểm mua sắm, tiêu dùng của người dân. Do đó thời điểm này cũng là lúc các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng gian và gian lận thương mại hoạt động mạnh. Chính vì vậy, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua đó, kịp thời phát hiện ngăn chặn xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng. “Trọng tâm của BCĐ 389 và các ngành chức năng là sẽ tập trung kiểm soát chặt các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như vật liệu nổ, pháo nổ, đồ chơi trẻ em, kích động bạo lực…”, ông Dũng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng mà BCĐ 389 tỉnh cũng như các địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong thời điểm cận Tết Nguyên đán chính là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Bởi theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, chính vì vậy, đây cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả tăng cường hoạt động. “Phải đảm bảo không để người dân mua trúng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe như: thực phẩm, dược phẩm… ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Phát hiện nhiều đường dây buôn lậu liên quan đến tội phạm hình sự
Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và quản lý chức vụ (PC46), Công an tỉnh, trong quá trình tác nghiệp, cơ quan này đã phát hiện khoảng gần 10 “đường dây” buôn lậu. Các “đường dây” này do các đối tượng có liên quan đến tội phạm hình sự tổ chức buôn lậu từ các địa phương khác về Đồng Nai tiêu thụ. Đáng lo ngại, các đối tượng này trang bị nhiều hung khí như đao, kiếm, mã tấu, dao rựa sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.
Lê Văn
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập