​Nhận diện hàng Việt trên sân nhà

Thứ tư - 17/04/2019 10:47
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Càng “dấn sâu” vào hội nhập, bên cạnh lợi thế về mở rộng xuất khẩu thì hàng hóa Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị trường nội địa. Tuy khó khăn, nhưng có những thương hiệu hàng Việt đã vượt lên trở thành những tập đoàn lớn mạnh và không ít doanh nghiệp (DN) nhỏ cũng vươn lên khẳng định vị trí của mình trên sân nhà.
2B.jpg
Trái cây Việt vẫn chiếm ưu thế tại Co.opmart Biên Hòa.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 600 ngàn DN đang hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 2% là DN lớn, còn lại 98% là DN vừa và nhỏ. Bên cạnh những DN lớn như: Vissan, Vingroup, Vinamilk, TH Truemilk, Masan, Vinacafé, đường Biên Hòa, Bibica... những DN vừa và nhỏ đang từng bước xây dựng thương hiệu mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đã có những thương hiệu Việt lớn
Trước đây, khi Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thì nhiều ý kiến cho rằng hàng Việt sẽ yếu thế và mất dần thị phần trên sân nhà. Thực tế cho thấy trong cuộc đua giữ thị trường trong nước, nhiều thương hiệu hàng Việt vẫn vững vàng vươn lên mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đơn cử, Công ty cổ phần Bibica là DN Việt đang đứng đầu lĩnh vực bánh kẹo cả nước với tỷ lệ 9% toàn ngành. Trải qua việc mua bán, sáp nhập với Lotte và Tập đoàn Pan, Bibica vẫn là thương hiệu Việt lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hàng của các tập đoàn đa quốc gia và vẫn giữ mức tăng trưởng hơn 10%/năm. Không chỉ nắm giữ tốt thị trường trong nước, Bibica còn mở rộng xuất khẩu vào gần 20 thị trường trên thế giới.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho biết: “Bibica có 24 năm liên tiếp được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Để giữ được danh hiệu này, công ty không ngừng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để cho ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh. Công ty rất chú trọng việc quảng bá thương hiệu và mở rộng mạng lưới phân phối nên doanh thu năm 2018 đạt 1.400 tỷ đồng”.
Ở mảng thực phẩm chế biến, Vissan cũng đang chiếm thị phần khá lớn, cụ thể hàng đông lạnh chiếm khoảng 40% thị trường, xúc xích, lạp xưởng trên 60%. Đại diện của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan cho hay, DN đang duy trì khoảng 130 ngàn điểm bán sỉ, bán lẻ sản phẩm trên cả nước. Sản phẩm của Vissan đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên cả nước và được người tiêu dùng khá tin tưởng.
Ở ngành hàng sữa, tuy với hàng nhập khẩu thì sữa Việt Nam có sự cạnh tranh tương đối cam go, nhưng những thương hiệu Việt như: Vinamilk, Nutifood, Lothamilk, TH Truemilk vẫn vươn lên chiếm lĩnh được thị trường và được nhiều người tin tưởng. Ở ngành may mặc, giày dép thì các thương hiệu Việt chiếm một tỷ lệ lớn với các nhãn hàng quần áo thuần Việt nổi tiếng: An Phước, Sifa, Việt Thắng, Việt Tiến, Blue-Exchange, Ninomaxx, Elise, Gia Hồi và hàng loạt “tân binh” mới như: Ivy Moda, Hnoss, Cocosin, Vascara, Đông Hải... cạnh tranh gay gắt về giá và thị phần với những thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới.
Trên lĩnh vực thực phẩm tươi sống, đông lạnh, rau củ quả tươi, hàng Việt gần như làm chủ thị trường với thị phần khoảng 90%.
Ông Vũ Thanh Tân, Trưởng phòng Truyền thông của hệ thống siêu thị BigC cho hay: “Hàng Việt trong các siêu thị của BigC vẫn chiếm khoảng 90%, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thuần Việt đưa được sản phẩm vào siêu thị trên các ngành hàng thực phẩm khô, đông lạnh, bánh kẹo, cà phê, quần áo, giày dép, rau củ quả... BigC cũng ký cam kết hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Việt đưa sản phẩm vào siêu thị để giúp họ giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”.
Cam go “giữ chỗ” trong chợ truyền thống
Tìm hiểu tại các chợ lớn tại TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Xuân Lộc, TX.Long Khánh... 2 năm trở lại đây đang có dòng chảy ồ ạt của hàng nhập khẩu từ nhiều nước trong khối ASEAN, Hàn Quốc vào Đồng Nai, chủ yếu do tác động từ việc giảm thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký. Hàng nhập khẩu “tràn” vào các chợ truyền thống, đại lý từng bước lấn sân tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng Việt.
Tại các chợ truyền thống trong tỉnh, hàng ngoại nhập đã “phủ sóng” với tỷ lệ ngày càng cao ở ngành hàng thực phẩm khô, trái cây, nước giải khát, bia, mỹ phẩm, đồ chơi, quần áo, giày dép đến đồ gia dụng... với giá bán tương đối cạnh tranh với hàng Việt. Trên những quầy hàng, ki-ốt trong các chợ, hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Singapore... chiếm số lượng khá lớn.
Bà Nguyễn Thị Hòa, người dân xã An Phước (huyện Long Thành) cho hay: “Hiện nay ở chợ bán rất nhiều hàng Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc mẫu mã rất đa dạng và giá chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn hàng Việt một chút nên tôi cũng hay mua dùng và thấy chất lượng cũng ổn”. Người tiêu dùng chọn mua hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc và các nước ASEAN tương đối nhiều vì tin tưởng vào chất lượng. Bà Lê Thị Thanh, tiểu thương chợ Long Thành cho biết: “Hàng thực phẩm khô, bánh kẹo, nước giải khát, mỹ phẩm nhập khẩu ngày càng đa dạng về chủng loại, kích cỡ nên được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn”.
Ở mặt hàng quần áo, giày dép, bánh kẹo, đồ gia dụng, thực phẩm khô giá rẻ và trung bình thì hàng Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đang cạnh tranh gay gắt với hàng Việt. Song ưu thế lớn nhất của hàng nhập hiện nay không còn là giá rẻ bởi giá cả hàng Việt Nam cũng đã rất cạnh tranh, song yếu tố mẫu mã đa dạng đang là điểm mạnh của hàng Thái Lan, Trung Quốc...
“Cuộc chiến” giữ sân nhà
Trong cuộc đua giữ thị phần trên sân nhà, nhiều DN nhỏ trong nước đang chật vật vì thiếu vốn để quảng bá thương hiệu dẫn đến đầu ra khó khăn. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán) cho biết: “Do thiếu vốn dẫn đến công ty giảm bớt khâu quảng bá sản phẩm và mở rộng mạng lưới bán lẻ. Hiện mặt hàng trái cây sấy khô của công ty đang rất chật vật để giữ thị phần ở sân nhà”.
Tương tự, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã chế biến xoài xuất khẩu La Ngà (huyện Định Quán) bày tỏ: “Sản phẩm xoài sấy dẻo, khô của hợp tác xã được đánh giá cao về chất lượng, đang được thị trường trong nước và Nga khá ưa chuộng. Hiện công ty sản xuất hơn 70 tấn xoài khô/tháng, nếu có vốn có thể tăng công suất gấp 1,5 lần đáp ứng các đơn hàng và quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Theo ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, hiệp hội có 1.200 thành viên, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hoạt động trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hàng hóa. Các DN nhỏ đều gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, đầu ra. Các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Chính phủ đã có hiệu lực một thời gian dài nhưng rất ít DN nhận được. Do đó, DN sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh giữ thị phần nội địa.
Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Marketing Siêu thị Co.opmart Biên Hòa cho hay: “Hàng thuần Việt hiện nay chất lượng được nâng lên, mẫu mã cũng phong phú không thua kém hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, do DN trong nước thiếu những chương trình quảng bá thương hiệu lớn và dài hơi nên nhiều người tiêu dùng chưa biết đến, đầu ra còn chậm”. 
“Cuộc chiến” giành thị phần trên sân nhà của hàng Việt dự báo sẽ ngày càng gay gắt, vì theo lộ trình của nhiều hiệp định thương mại đã ký kết, nhiều dòng thuế xuất, nhập khẩu đã và đang giảm về 0% và hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với mọi loại hàng hóa từ những thị trường “gần” như ASEAN, Hàn Quốc đến các thị trường “xa” như các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
2 BieudoHangViet.tif
Biểu đồ thể hiện các ý kiến mà người tiêu dùng đề xuất, mong muốn các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước cần quan tâm, cải thiện trong cuộc khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 (tỷ lệ phần trăm tính theo số người được khảo sát ở thành thị và nông thôn trong cuộc khảo sát) - Nguồn: Kết quả cuộc khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong năm 2018.
Hương Giang
 

 

 

Tác giả: Hương Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây