Vào những tháng cuối năm, lực lượng chức năng của tỉnhĐồng Nai đã ra quân kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ hàng gian, hàng giả, hàng cấm tuồn ra thị trường.
Theo nhận định của ngành chức năng, trong dịp cuối năm lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu thường tăng lên. Vì lợi nhuận, các đầu nậu tìm mọi cách đưa ra thị trường đủ loại hàng gian, hàng giả, hàng lậu và hàng cấm. Không những thế, thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh bắt giữ một lô hàng giả tập kết tại Ga Biên Hòa.
*Phát hiện nhiều sai phạm
Thượng tá Lê Văn Khuyện, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (PC03) Công an tỉnh cho biết tại Đồng Nai do không phải là địa bàn biên giới nên ít phát hiện hàng lậu mà chủ yếu là hàng giả, hàng cấm.
Gần đây nhất vào ngày 27-9, lực lượng công an phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra phát hiện 1 điểm sản xuất bột ngọt, bột giặt, hạt nêm giả có quy mô lớn tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) do bà Nguyễn Thị Tâm làm chủ. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đã bắt quả tang cơ sở nói trên đang sang chiết, đóng gói hàng trăm gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, các loại bột giặt Aba, Omo...
Cùng thời điểm này, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Bùi Thị Mùi (đóng tại KP.4, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) phát hiện hàng ngàn sản phẩm là quần áo, đồ trẻ em giả nhãn hiệu Victoria’s (đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam).
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, các sản phẩm thường bị làm giả các tiêu chí như: bao bì, nhãn mác, nhãn hiệu, kiểu dáng, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ hàng giả, hàng nhái mà lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá nhập lậu với quy mô lớn. Cụ thể như vào ngày 9-10, lực lượng công an kiểm tra, bắt quả tang ông Lê Minh Tuấn (ngụ tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đang vận chuyển thuốc lá nhập lậu, thu giữ 12 ngàn bao thuốc lá nhập lậu mang nhãn hiệu JET, HERO. Ông Tuấn khai nhận số thuốc lá này được nhập lậu từ khu vực cửa khẩu với Campuchia vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ.
*“Cuộc chiến” còn cam go
Theo điều tra của PC03, hiện trên thị trường các mặt hàng giả, hàng nhái được các đối tượng sản xuất rất tinh vi, nhìn hình thức bên ngoài gần giống sản phẩm thật nên khó phát hiện. Trong quá trình kiểm tra, điều tra lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn trong khâu phát hiện mà ngay khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm rồi cũng không dễ xác định được sản phẩm đó bị làm giả về bao bì, nhãn mác, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm hay nguồn gốc xuất xứ. Muốn xác định hàng giả phải có mẫu hàng thật để so sánh, từ đó mới có cơ sở xử lý. Trong khi đó, có những thương hiệu lớn, sản phẩm của các công ty nước ngoài việc lấy được mẫu cũng không hề đơn giản.
Riêng đối với hàng cấm, thời gian vừa qua phần lớn cơ quan chức năng cũng chỉ xử lý hành chính. Trong các vụ buôn bán hàng cấm, các đối tượng cầm đầu thường ít khi xuất hiện nên chỉ xử lý được đối tượng vận chuyển.
Thượng tá Lê Văn Khuyện cho biết, công tác đấu tranh với hàng giả, hàng lậu, hàng cấm cũng rất cam go. Các đối tượng buôn lậu thường manh động, liều lĩnh. Khi bị phát hiện, nhiều đối tượng chấp nhận bỏ hàng hoặc tìm cách chống đối. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường bố trí lực lượng rất bài bản nên việc phát hiện xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nói về công tác đấu tranh xử lý tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng cấm trên thị trường trong thời gian qua, ông Huỳnh Kim Hóa, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết ngoài những cơ sở sản xuất và các đường dây vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng vào địa bàn để tiêu thụ thì các cơ sở kinh doanh cũng là một trong những địa điểm tuồn các mặt hàng này ra thị trường.
Tuy nhiên theo ông Hóa, đối với những mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, các cơ sở này ít khi bày bán công khai. Nếu bán thì các đối tượng cũng tìm cách trà trộn vào hàng hóa hợp pháp, hàng thật… buộc lực lượng chức năng phải có quá trình theo dõi, đeo bám mới có cơ sở bắt xử lý.
Để bắt quả tang một vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả lực lượng chức năng phải nắm chắc thông tin mới triển khai thực hiện. Trong khi đó để khám xét nhà kiểm tra hàng giả, hàng lậu lực lượng chức năng phải có quyết định của người đứng đầu chính quyền địa phương.
Ông Hóa nhận định, để cuộc chiến với hàng gian, hàng giả có hiệu quả không chỉ có lực lượng chức năng mà chính những công ty, doanh nghiệp sản xuất ra các mặt hàng đã có thương hiệu phải có trách nhiệm phối hợp, vạch trần “chiêu trò” của các cơ sở sản xuất hàng giả. Các công ty, doanh nghiệp phải thường xuyên khảo sát thị trường để có cảnh báo kịp thời về sản phẩm bị làm giả đến người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng khi phát hiện có những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hàng hóa nghi bị làm giả… cũng phải kịp thời báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
“Người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh. Khi mua sản phẩm phải tìm những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, có uy tín để loại trừ những yếu tố rủi ro. Bên cạnh đó, khi mua sắm người dân cũng nên chọn ở các siêu thị hoặc cửa hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng” - ông Hóa khuyến cáo.
Tác giả: Trần Danh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập