Giá heo đang tăng trở lại nhưng phần đông trang trại nhỏ lẻ trong tỉnh không còn heo để bán. Lợi nhuận đang đổ về các doanh nghiệp nuôi heo có vốn nước ngoài. Sự bất cập đó đã được dự báo nhưng vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ khả thi đối với các trang trại chăn nuôi heo nhỏ lẻ.
Giá heo tăng nhưng nông dân không vui
Khoảng một tuần trở lại đây, giá thu mua heo hơi trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng “nhích” nhẹ sau một thời gian dài “neo” ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg. Cụ thể, theo các hộ chăn nuôi heo, hiện giá heo hơi đã được các thương lái thu mua với mức từ 32.000 - 34.000 đồng/kg.
Giá heo tăng, dù không nhiều cũng đã giúp người chăn nuôi phần nào thoát khỏi cảnh thua lỗ triền miên kéo dài gần 2 năm qua. Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi heo đã bắt đầu hòa vốn. Tuy nhiên, đúng như dự đoán của nhiều người trong nghề, giá tăng nhưng đa số người nuôi heo không vui vì không còn heo để bán.
Sau gần 2 năm “chống chọi” với cơn bão “rớt giá”, đàn heo hơn 1.000 con của anh Trần Ðức Vinh Quang, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất hiện chỉ còn 200 con. Giá heo giảm sâu và nằm dưới mức giá thành sản xuất trong một thời gian dài khiến anh Quang phải liên tục giảm đàn để cắt lỗ. “Không giảm đàn thì chỉ có nước phá sản. Nuôi ít may ra còn có thể cầm cự để bám trụ với nghề”, anh Quang cho hay.
Ðàn heo giảm mạnh nên khi giá heo có xu hướng tăng như hiện này thì trang trại anh cũng chỉ còn vài chục con để xuất bán. “Như thế cũng may rồi, bởi phần lớn người nuôi heo nhỏ lẻ vùng này đã “treo chuồng” hết rồi. Riêng gia đình tôi cũng chỉ nuôi cầm cự, bởi thời gian qua lỗ quá giờ không đủ sức để tính chuyện tăng đàn trở lại”, anh Quang chia sẻ.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, gần 2 năm qua, do giá heo luôn ở dưới giá thành sản xuất nên phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ đã ngưng nuôi hoặc chuyển qua chăn nuôi các loại vật nuôi khác. Chính vì vậy, hiện nguồn cung heo trên thị trường chủ yếu là của các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Các doanh nghiệp này họ chăn nuôi theo chuỗi nên giảm được chi phí đầu tư, giá thành sản xuất thấp nên dù giá giảm họ cũng không bị ảnh hưởng nhiều”, một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai cho hay.
Thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 3% so cùng kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành chăn nuôi hiện vẫn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn, nhất là chăn nuôi heo do giá bán chưa được cải thiện đáng kể. Cụ thể, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán chỉ dao động ở mức 31.000 - 33.000 đồng/kg, tuy nhiên, sau Tết mức giá trên lại tiếp tục giảm khoảng 5.000 đồng/kg. “Thị trường Trung Quốc vẫn tạm ngưng nhập heo của Việt Nam khiến giá heo trong nước vẫn ở mức thấp, trong đó Ðồng Nai chịu ảnh hưởng khá lớn khi thị trường này trước đây tiêu thụ đến 40% sản lượng heo của tỉnh”, Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho hay.
Phải xây dựng được chuỗi liên kết trong chăn nuôi
Trước thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi heo, ngành Nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi, trong đó có việc quản lý chặt đàn heo tránh tình trạng cung vượt cầu kéo dài. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có gần 1,9 triệu con, giảm gần 19.000 con so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại hiện đang xảy ra với ngành chăn nuôi chính là việc người dân đang tự phát chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang các loại vật nuôi khác như gà, vịt… Nguyên nhân do trong khi giá heo liên tục xuống thấp thì giá gà, vịt thời gian qua luôn giữ ở mức cao, người chăn nuôi có lời nên nhiều hộ đã chuyển chuồng trại sang nuôi gà, vịt.
Theo lãnh đạo ngành NN-PTNT, việc người chăn nuôi thực hiện chuyển đổi tự phát là việc làm không được khuyến khích. Bởi, trong khi đầu ra chưa ổn định, việc chuyển đổi ồ ạt có nguy cơ khiến tình trạng “rớt giá” cũng sẽ diễn ra với các loại vật nuôi này khi cung vượt cầu.
Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, giải pháp căn cơ nhất đối với ngành chăn nuôi hiện nay vẫn là xây dựng các chuỗi liên kết nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chăn nuôi. Bởi thực tế cho thấy, trải qua các cuộc khủng hoảng giá, các doanh nghiệp FDI do tổ chức được chuỗi sản xuất khép kín nên dù giá có xuống như thế nào cũng không bị thua lỗ. “Không chỉ đối với con heo mà gà, hay trứng gà cũng vậy”, ông Vinh nhận xét.
Ðặc biệt, khi Hiệp định Ðối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước, trong đó có Việt Nam đã ký kết tại Chile và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019, việc xây dựng các chuỗi liên kết lại càng là yêu cầu cấp thiết đối với ngành chăn nuôi cả nước, trong đó có Ðồng Nai. Bởi theo dự báo, lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi sẽ là ngành chịu thiệt thòi nhất. Nguyên nhân do sản xuất ở quy mô nhỏ khiến chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi trong nước thường ở mức cao làm sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại.
Quỳnh Nhi
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập