10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Nâng nhận thức toàn dân về ưu tiên dùng hàng Việt

Thứ tư - 29/05/2019 00:01
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sáng 29-5, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 2009 - 2019.​

Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động 264) của tỉnh, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt và ưu tiên dùng hàng Việt đã có chuyển biến rõ nét; đồng thời cổ vũ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Điểm nhấn rõ nét sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ưu tiên dùng hàng Việt. Ông Phạm Gia Hải, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho rằng, công tác tuyên truyền nâng nhận thức cho trên 3 triệu dân trong tỉnh về ý thức tiêu dùng, sử dụng hàng Việt là rất quan trọng. 10 năm qua, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phối hợp tổ chức đa dạng các hình thức truyền thông. Cụ thể như phối hợp với Ban chỉ đạo Cuộc vận động tổ chức tuyên truyền trên 350 cuộc đến hàng ngàn lượt người dân trong tỉnh; phối hợp Công ty CP sữa Vinamilk tổ chức 6 hội thảo tư vấn tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phối hợp tổ chức hội thảo về ngăn ngừa chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng mỹ phẩm phù hợp; tọa đàm cao điểm vào các dịp kỷ niệm Ngày Vì người tiêu dùng Việt Nam (15-3). Ngoài ra, Hội còn phối hợp tổ chức giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, kiểm tra việc lắp đặt 150 trạm cân đối xứng tại các chợ trong toàn tỉnh, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Là cơ quan chủ lực trong Ban chỉ đạo 264 tỉnh, Sở Công Thương đã chủ trì phát hành 18.000 cuốn đặc san ngành Công thương, hơn 16.000 tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp nhận trên 52.600 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, ban hành các công văn xác nhận đăng ký mới và đăng ký sửa đổi, bổ sung thực hiện chương trình khuyến mại cho doanh nghiệp. Trong đó hàng hóa, dịch vụ khuyến mại chủ yếu là hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với tổng trị giá theo đăng ký hơn 406 tỷ đồng, góp phần nâng cao nhận thức về ưu tiên dùng hàng Việt trong các tầng lớp nhân dân…


 Khách hàng chọn mua hàng Việt tại một siêu thị ở TP. Biên Hòa.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong tiêu dùng, toàn tỉnh đã tổ chức được 228 hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp. Hàng hóa bày bán tại hội chợ chủ yếu là hàng Việt Nam, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp đạt trên 116 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ 15 hội chợ triển lãm tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh; tổ chức gian hàng chung cho 406 lượt doanh nghiệp tỉnh tham gia 41 đợt hội chợ và hỗ trợ kinh phí cho 550 lượt doanh nghiệp có sản phẩm mục tiêu tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút trên 2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 203 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn mở các nhà phân phối, đại lý, hợp đồng kinh tế trị giá trên 3,1 tỷ đồng và 365.000 USD, ký kết 36 hợp đồng ghi nhớ, 160 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện, thị xã Long Khánh…

Cùng với đó là quan tâm tổ chức cho 70 lượt doanh nghiệp trong Câu lạc bộ hàng Việt về nông thôn, hỗ trợ tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh tổ chức 5 phiên chợ trong chương trình liên kết vùng giữa Đồng Nai với các tỉnh Đông Nam bộ. Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức 154 chuyến hàng Việt phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp và nhà máy trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi chuyến hàng thu hút 16 doanh nghiệp tham gia bán hàng, lượng khách tham quan mua sắm ước đạt khoảng 3.000 lượt người/chuyến và doanh thu đạt 300 triệu đồng/chuyến…

10 năm qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động 264 tỉnh đã tổ chức 35.000 đợt tuyên truyền chuyên đề về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho hơn 2 triệu lượt người; lồng ghép tuyên truyền gắn với các phong trào thi đua yêu nước cho trên 10 triệu lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân; đầu tư 11 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trong đó 2 điểm được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Trung ương và 9 điểm từ nguồn kinh phí của tỉnh...

Hướng Cuộc vận động vào chiều sâu

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung nhìn nhận, có thể khẳng định, trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Kết luận khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ người dân lựa chọn các chợ truyền thống trong tiêu dùng vẫn chiếm chủ yếu với trên 85%; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các đợt hội chợ và hưởng ứng Cuộc vận động tăng hơn 55% so năm 2014. Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2014, có 1.396 doanh nghiệp tham gia, giai đoạn 2015-2019 số lượng doanh nghiệp tham gia đã tăng lên 2.500 doanh nghiệp. Thông qua Cuộc vận động đã giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung, để cuộc vận động tiếp tục đi vào thực tiễn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện tốt Thông báo Kết luận 264 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiến hành lồng ghép với các chương trình, phong trào thi đua tạo thói quen, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm, tiêu dùng của người dân. Đi cùng với đó là ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất ở địa phương làm ra, góp phần làm cho Cuộc vận động thật sự thiết thực và hiệu quả.

Mặt khác, Ban chỉ đạo Cuộc vận động phải định hướng nội dung tuyên truyền phù hợp, sát thực tế; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông tin về hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được tổ chức trên địa bàn; các gian hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đến với công nhân lao động…

Ngoài ra, cần tiếp tục phối hợp nhân rộng, tôn vinh những sản phẩm Việt uy tín, chất lượng, góp phần định hướng tiêu dùng trên thị trường; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn; tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Ba không” (không trồng và bán rau quả, củ không bảo đảm an toàn thực phẩm; không nuôi và bán gia súc, gia cầm, thủy hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm; không làm ngơ khi biết người cùng thôn, xóm nuôi trồng và bán sản phẩm không an toàn) trong vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động…

Ghi nhận những nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện Cuộc vận động 264 trên địa bàn tỉnh, tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 63 tập thể, 70 cá nhân có đóng góp tích cực trong tuyên truyền và thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn; Sở Công Thương và 2 cá nhân được Bộ Công Thương tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

N. Trinh

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây